Thanh long là một trong những loại cây ăn quả phổ biến và đem đến giá trị kinh tế cao ở nước ta và được trồng nhiều ở các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang rải rác. Nhằm giúp cây thanh long tăng sản lượng và chất lượng tốt, bà con cần áp dụng đúng kỹ thuật trồng, chăm sóc cây thanh long theo hướng dẫn sau đây.
- Chuẩn bị trước khi trồng cây Thanh Long
- Hom giống Thanh Long
Cần chọn những cành có tiêu chuẩn sau: Tuổi cành trung bình từ 1 - 2 năm tuổi trở lên, chiều dài hom tốt nhất là từ 50 - 70 cm; hom mập, có màu xanh đậm, không có khuyết tật, sạch sâu bệnh; các mắt mang chùm gai phải tốt, mẩy, khả năng nẩy chồi (mụt) tốt. Sau khi chọn hom xong, hom được dựng nơi thoáng mát, trên nền đất khô ráo, trong vòng 10 - 15 ngày hom bắt đầu nhú rễ thì đem trồng.
- Thời vụ
Vào khoảng tháng 10 – 11 dương lịch là thời điểm lý tưởng nhất để trồng thanh long vì thời điểm này hom giống dồi dào, tận dụng được lượng nước tưới từ mưa cuối mùa, tránh nguy cơ ngập úng.
Ở những vùng thiếu nước, nên trồng thanh long vào khoảng tháng 4-5 để tận dụng nguồn nước mưa đầu mùa. Tuy nhiên, thời điểm này hom giống thường ít hơn và chất lượng không quá tốt.
- Mật độ trồng
Mật độ cây trồng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hai vấn đề: thứ nhất, cạnh tranh dinh dưỡng giữa các cây trồng gần nhau; thứ hai, các công việc liên quan đến chăm sóc cây trồng về sau. Khoảng cách giữa các cây sẽ được tính toán dựa trên kích thước của các loại máy móc được sử dụng để chăm sóc cây, kích thước rễ và chiều cao trụ cây.
Cách bố trí cây thanh long được sử dụng phổ biến nhất hiện nay bao gồm: 2,7m x 2,7m; 2,5m x 2,7m; 2,4m x 2,6m. Trong quá trình sắp xếp các hàng trồng thanh long, bà con nên linh hoạt điều chỉnh tăng giảm để giữ số hàng chẵn, tạo thuận lợi cho quá trình chăm sóc về sau.
- Chuẩn bị đất trồng
Loại đất trồng phù hợp nhất với đặc điểm và nhu cầu dinh dưỡng của thanh long là đất xám bạc màu, cát pha hoặc đất núi. Vì vậy, khu vực lý tưởng nhất để trồng thanh long là ở Bình Thuận, Đồng Nai và một số vùng đất thấp ở Tiền Giang, Long An,… Với những loại đất khác, bà con cần cân nhắc kỹ giữa việc lựa chọn cải tạo đất và thay đổi quyết định trồng thanh long để đảm bảo yếu tố về kinh tế.
- Dựng trụ
Có thể dùng trụ gỗ, trụ gạch hoặc trụ xi măng cốt sắt để trồng thanh long. Hiện nay, trụ xi măng cốt sắt đang được khuyến cáo và sử dụng phổ biến trong sản xuất với kích thước: cạnh vuông từ 12 - 15 cm, cao 1,6 - 2,0 m, chôn sâu 0,4 - 0,5 m (tuỳ thuộc vào vùng đất), chiều cao từ mặt đất đến đỉnh trụ từ 1,2 - 1,5 m, phía trên có 2 - 4 thanh sắt đua ra ngoài 20 - 25 cm được bẻ cong theo 4 hướng dùng làm giá đỡ cho cành thanh long sau này.
- Bón lót
Nếu bà con chuẩn bị đất sát thời điểm gieo trồng, tiến hành bón lót vào thời điểm một ngày trước khi trồng và 6 tháng sau khi trồng. Bón lót bằng 10 – 15 kg phân chuồng hoai mục và 0.5 kg super lân mỗi trụ. Cũng có thể dùng các loại phân hữu cơ Organic với lượng 1 – 2 kg/trụ để thay phân chuồng.
Nếu bà con chuẩn bị đất từ sớm, nên tiến hành bón lót một lần ngay sau khi dựng trụ. Cần đào sâu khoảng 20 – 30cm và sử dụng lượng phân bón tương tự như công thức ở trên, sau đó lấp đất lên phía trên chờ ngày trồng thanh long.
- Kỹ Thuật Trồng Cây Thanh Long
- Cách trồng cây Thanh Long
Đặt 4 hom quanh 4 phía của trụ, cao hơn mặt đất 0,5 cm để tránh thối gốc. Áp phần phẳng của hom vào mặt phẳng của trụ để sau này hom ra rễ bám nhanh vào trụ. Dùng dây nilông hoặc dây vải buộc nhẹ hom vào trụ để tránh gió làm lung lay, sau đó tưới nhẹ và tủ rơm hoặc cỏ khô để giữ ẩm.
- Lưu ý quan trọng trong quá trình trồng Thanh Long
Bà con chú ý khoảng cách từ mặt đất đến vị trí đặt hom là khoảng 5cm, vừa đảm bảo hom có thể phát triển chạm đất, nhanh chóng mọc rễ địa sinh để hấp thụ dinh dưỡng, vừa tránh được tình trạng mốc, thối gốc.
Nên đặt áp phần của hom vào mé trụ để khi ra rễ, rễ có thể nhanh chóng bám chắc vào trụ, đồng thời, tránh khiến hom bị ảnh hưởng khi cột trụ nóng lên do trời nắng kéo dài.
Viết bình luận
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.