Hành tây không chỉ là thực phẩm gần gũi với con người, có thể dùng để chế biến thành nhiều món ăn ngon mà nó còn là vị thuốc chữa bệnh rất công hiệu, tốt cho nhóm người mắc bệnh về đường hô hấp, bệnh hen suyễn, chữa chứng mất ngủ và làm giảm cholesterol. Các vùng trồng hành tây chủ yếu ở nước ta bao gồm Phan Rang, Đà Lạt, Vĩnh Phú, Hà Bắc, Hà Nội .... đã rút ra được nhiều kinh nghiệm sản xuất trong việc thâm canh để đạt năng suất cao.
I. Những điều cần biết khi trồng hành tây
1. Thời vụ
Có thể trồng được nhiều vụ: Vụ sớm, gieo vào cuối tháng 8, trồng cuối tháng 9; chính vụ gieo từ giữa tháng 9, trồng từ giữa đến hết tháng 10; vụ muộn, gieo cuối tháng 9, trồng cuối tháng 10 đến đầu tháng 11.
2. Chọn giống
Chọn đúng các giống cần trồng, tùy theo thị hiếu người dùng mà chọn hành cay hay hành ngọt để trồng. Nên dùng các giống lai F1 của Mỹ, Nhật Bản (Grano, granex) mới nhập nội hiện đang có bán tại các công ty giống cây trồng, các đại lý, cửa hàng hạt giống rau trên toàn quốc.
3. Ươm cây giống
Chọn đất tơi xốp, đất cát pha, thịt nhẹ, nơi cao ráo để gieo ươm cây giống. Làm nhỏ đất, lên luống rộng 90-100cm. Mặt luống phải phẳng, đất nhỏ mịn, gạt các viên đất to ra 2 bên mép luống. Dùng phân chuồng hoai mục, tro bếp, phân lân trộn rải đều trên mặt luống một lớp dày khoảng 5-7cm. Hạt giống nên ngâm nước ấm và ủ cho nứt nanh rồi trộn với đất bột theo tỷ lệ 1/200 để gieo cho đều. Lượng hạt cần gieo khoảng 1,5-2 gam/m2. Sau khi gieo, phủ kín hạt bằng một lớp đất hạt nhỏ mịn rồi tiếp một lớp rơm, rạ mỏng nhằm giữ ẩm cho mặt luống và hạn chế bị xô hạt do mưa hoặc khi tưới nước. Trong 3 ngày đầu, mỗi ngày tưới 2-3 lần, sau đó tưới 1-2 lần/ngày cho đến khi trồng được. Sau gieo 5-6 ngày thì dỡ bỏ rơm, rạ và dùng trấu trộn với đất bột rải đều để phủ kín chân cây giống và tiếp tục chăm sóc cho cây con cứng cáp. Sau khi gieo ươm khoảng 30-35 ngày, cây giống có 2-3 lá thật, cứng đanh cây, mập mạp, xanh đậm là có thể nhổ đem trồng được.
II. Chuẩn bị trồng cây hành
1. Làm đất
- Tiến hành làm đất là yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo giúp quá trình canh tác hành tây diễn ra thuận lợi. Việc làm đất cần tuân thủ những yêu cầu tiêu chuẩn là:
+ Đất trồng sử dụng loại tơi xốp, nhiều dinh dưỡng, có khả năng thoát nước tốt, ở khu vực chủ động được về vấn đề tưới tiêu, đồng thời cần xa nguồn nước thải, xa đường quốc lộ hay những khu công nghiệp.
+ Đất trồng cho cây hành tây nên được sử dụng luân canh với lúa nước nhằm hạn chế sâu bệnh.
+ Ưu tiên sử dụng đất thịt nhẹ, độ pH duy trì trong khoảng từ 5.5 – 6.0, đồng thời mùn tổng số khoảng 1.2 – 1.5%.
+ Đất cần được làm nhỏ, tơi xốp, loại bỏ hoàn toàn cỏ dại, sử dụng các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh hại từ khâu làm đất.
+ Tiến hành làm đất, bón lót đầy đủ để có được đất trồng tiêu chuẩn giúp cây trồng có điều kiện lớn lên khỏe mạnh nhất.
2. Cách trồng
a. Lên luống trồng
Làm luống trồng hành tây yêu cầu có chiều rộng luống từ 90 – 100cm, chiều cao là 25 – 30cm, rãnh rộng trung bình khoảng 25 – 30cm. Đối với rãnh có độ rộng cụ thể bao nhiêu phụ thuộc chính là độ dày của tầng canh tác để có sự cân đối sao cho hợp lý nhất.
b. Yêu cầu ở mật độ trồng
Trồng hành tây có quy định, yêu cầu riêng ở mật độ trồng cần được duy trì. Lúc đó mỗi cây sẽ có được không gian đầy đủ để phát triển tốt, lớn lên với năng suất cao nhất. Tùy thuộc vào hướng của khu đất trồng cần làm luống cùng hướng với ánh sáng mặt trời mọc để mọi hàng, mọi luống đều nhận được đầy đủ ánh sáng như nhau.
Mật độ trồng hành tây cần đảm bảo cây cách cây từ 13 – 137cm, hàng cách hàng khoảng 20 – 25cm là hợp lý nhất. Đây là loài ưa sáng nên mật độ cần cân đối với cường độ ánh sáng. Với cường độ ánh sàng mạnh nên trồng dày lại và ngược lại.
c. Tiến hành trồng hành tây
Quá trình ươm mầm tới khi cây con ở độ tuổi từ 25 – 30 ngày, có khoảng 2 – 3 lá thật thì lúc này việc nhổ để trồng lên luống cần được thực hiện. Việc trồng quá sớm giúp hành bén rễ sớm, cho thu hoạch nhanh song củ khá nhiều nước và khó bảo quản lâu dài. Bên cạnh đó, quá trình trồng cần loại bỏ những cây con đã hình thành củ, hay những cây chỉ có một lá nõn bởi nó không thể phát triển và cho củ như yêu cầu được.
Yêu cầu với trồng hành tây cần chú ý trồng nông, quá trình lấp đất để phù kín rễ không quá 1cm mới tạo điều kiện cho loài cây trồng này phát triển được. Khi trồng sử dụng que chọn chọc lỗ, đặt nhẹ cây xuống và phủ kín rễ là được.
3. Kỹ thuật chăm sóc hành tây
a. Chăm sóc
- Chăm sóc hành tây cần chú ý tuân thủ đầy đủ, đúng cách mới tạo điều kiện cho chúng lớn lên khỏe mạnh, cho củ kích thước lớn, đạt chuẩn để thu về khoản lợi nhuận tốt nhất. Trong đó những yêu cầu trong chăm sóc cây hành tây sau khi trồng chính là:
+ Tiến hành xới vun đầy đủ khoảng 2 – 3 lần tùy thuộc vào tính chất của đất. Sau khi trồng khoảng 10 – 15 ngày cần xới sâu và rộng khắp trên mặt luống.
+ Duy trì việc giữ độ ẩm cho cây bằng cách tưới nước đều đặn hàng ngày cho tới khi cây hồi xanh. Trong thời gian đầu sử dụng thùng o doa để tưới cho tới khi hồi xanh. Ở thời điểm sau khi trồng 30 ngày việc tưới nước sẽ tiến hành trên rãnh với tần suất từ 7 – 10 lần/ ngày.
+ Đất đã nhấm nước đều cần chú ý tới việc tưới tiêu, đảm bảo thoát nước kịp thời để tránh tình trạng ngập úng có thể gây ra thối củ.
+ Khoảng 1 tháng trước khi thu hoạch cần ngừng tưới nước để đảm bảo độ khô cạn cần thiết.
b. Bón phân
- Bón lót
Tiến hành bón lót chúng ta sử dụng toàn bộ phân chuồng hoai mục. Việc bón lót sau khi hoàn thành cần chờ từ 5 – 7 ngày mới trồng được hành tây.
- Bón thúc
Lượng phân còn lại được sử dụng để bón thúc chia đều cho 3 đợt để cung cấp thêm dưỡng chất cần thiết cho cây. Phân khi bón thúc cần được pha loãng với nước để cây dễ hấp thụ, có thể phát triển tốt hơn.
+ Bón thúc lần 1: Thời điểm bón là sau khi trồng từ 15 – 20 ngày, bón Tomato Vua Rễ với lượng 3-5 kg/ha
+ Bón thúc lần 2: Thời điểm tiến hành bón là sau khi trồng từ 30 – 40 ngày, bón NPK 20-20-15 với lượng 20-30kg/1000m2/lần.
+ Bón thúc lần 3: Thời điểm thực hiện nên tiến hành sau khi trồng từ 45 – 60 ngày, bón NPK 20-20-15 với lượng 20-30kg/1000m2/lần.
Trồng hành tây trở thành lựa chọn của nhiều người nông dân để có thêm loại hoa màu năng suất, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Tìm hiểu về kỹ thuật trồng và cách chăm sóc hành tây giúp chúng ta có được quá trình canh tác thuận lợi, năng suất cao, mang lại nguồn thu tốt.
Viết bình luận
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.