Xoài là loại cây trồng phổ biến ở nước ta bởi giá trị kinh tế cao và sử dụng làm bóng mát, cây cảnh…để cây xoài cho năng suất cao, chất lượng tốt bà con cần nắm rõ kỹ thuật trồng và chăm sóc cây xoài. Xoài là loại cây ăn trái được rất nhiều người tiêu dùng yêu thích bởi giá trị dinh dưỡng, hương vị thơm ngon của nó. Cây xoài có nguồn gốc từ khu vực Ấn Độ. Ở nước ta cây xoài được trồng phổ biến khắp cả nước, nhưng tập trung nhiều nhất ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng Bằng Sống Cửu Long…
I. Điều kiện môi trường
1. Thời vụ
Vì xoài là giống cây nhiệt đới nên phát triển tốt ở mức nhiệt cao, có khả năng chịu nhiệt lên đến 40 – 45oC tùy giống. Tuy nhiên, nhiệt độ lý tưởng nhất cho sự phát triển của xoài là khoảng 23 – 28oC. Nên tránh việc trồng xoài ở những vùng mưa nhiều, thời tiết lạnh quanh năm, hoặc bắt đầu mùa vụ vào đúng thời điểm thời tiết diễn biến cực đoan như sương muối, rét đậm, rét hạn.
Xoài được trồng quanh năm nhưng tốt nhất là vào đầu mùa mưa. Tuy nhiên, nếu trồng với lượng ít ta có thể trồng vào nhiều thời vụ khác nhau, miễn là phải tránh thời điểm nắng nóng và rét đậm và sau khi trồng phải cung cấp đủ nước tưới cho cây.
2. Yêu cầu về đất trồng
Đặc tính của đất được hình thành bởi các loại chất và tỉ lệ của chúng trong đất trồng. Đây cũng chính là những loại chất dinh dưỡng mà cây xoài sẽ hấp thụ trong suốt quá trình phát triển và ra quả. Vì vậy, chỉ có những loại đất trồng phù hợp mới có thể giúp cây phát triển khỏe mạnh, cho nhiều trái và trái có chất lượng tốt.
Các loại đất phù hợp để trồng xoài bao gồm đất pha cát, đất đỏ bazan, đất vàng, đất phù sa, đất feralit, đất xám,… Trong đó, đất pha cát là loại đất có thể đem đến hiệu quả tốt nhất. Ở những khu vực trồng xoài, lớp đất canh tác phải có độ dày tối thiểu là 1.5m. Các mạch nước ngầm nên cách mặt trên 2.5m. Độ pH của đất nên được duy trì trong khoảng 5.5 – 7.0, nếu độ pH nằm ngoài khoảng này thì cần tiến hành các biện pháp cải tạo phù hợp trước khi trồng xoài.
II. Chuẩn bị trồng xoài
1. Lựa chọn giống
- Giống Xoài hiện nay được trồng phổ biến nhất gồm có 5 giống là xoài cát Hòa Lộc, xoài cát chu, xoài bưởi, xoài Khiêu xa vơi và xoài tứ quý. Trong 5 giống xoài này thì xoài cát Hòa Lộc và xoài tứ quý là 2 giống nổi tiếng nhất vì cho trái ngon, vị ngọt thanh, trái to (cát Hòa Lộc trung bình 600-700g/trái; tứ quý trung bình 900g/trái), mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho nên nhà vườn và người tiêu dùng cũng đều ưa thích. Còn lại, xoài cát chu, xoài bưởi và Khiêu xa vơi (xoài Thái Lan) trái nhỏ (nặng trung bình từ 250-550g), ăn ngon nhưng không bằng 2 giống xoài kể trên. Đặc biệt, giống xoài Thái Lan thường được dùng để ăn sống khi vỏ trái còn xanh. Ngoài 5 giống xoài kể trên, còn có một số giống xoài truyền thống, trồng bằng hột, nhưng do hiệu quả kinh tế không cao nên không được trồng nhiều. Đó là xoài hòn, xoài thanh ca, xoài xiêm, xoài châu hạng võ, xoài thơm, xoài tượng…
- Cây xoài được nhân giống bằng nhiều phương pháp như gieo hạt, chiết cành, ghép…nhưng phổ biến nhất vẫn là phương pháp ghép. Cụ thể là: giống được ghép trên gốc ghép là giống xoài bưởi hoặc là xoài hôi, cây được ươm trong bầu nilon màu đen có chiều cao 20-22cm, đường kính bầu 12cm. Bầu không bị dập, vỡ. Cây ghép sinh trưởng tốt, thân cây mập, chiều cao cành ghép 40-50cm, đường kính 1cm (đo phía trên vết ghép khoảng 2cm), có từ 2-3 đợt lộc. Lá cây xanh đậm, không có vết sâu bệnh.
2. Chuẩn bị đất trồng
Khu vực đất trồng xoài nên được kiểm tra và xử lý phù hợp để tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của cây. Một số công việc cần thực hiện:
- Dọn toàn bộ cỏ, rác trên bề mặt
- Xới đất để tạo độ tơi xốp
- Thực hiện các biện pháp cải tạo đất: sử dụng các phương pháp để kiểm tra, cải thiện độ pH cho phù hợp, trồng thêm một số loại cây họ đậu để tăng độ đạm
- Đào các hố trồng với kích thước 60x60x60 cm, bón vào tứng hố 20 – 30 kg phân chuồng +1 kg lân + 0.1 kg Kali + 0.5 kg vôi bột và tưới một lượng nước vừa đủ sau đó lấp đất lại.
- Ngoài ra, cần lưu ý rằng nếu trước đó, khu đất được dùng để trồng các loại cây lâu năm khác thì nên để đất được nghỉ trong tối thiểu nửa năm rồi mới bắt đầu trồng xoài.
3. Kỹ thuật trồng cây xoài
a. Cách trồng
Đào một hốc nhỏ ở chính giữa hố, rạch bỏ túi bầu nilon và đặt bầu cây vào giữa hố, lấp đất vừa bằng cổ rễ, nén chặt xung quanh. Sau đó cắm 2 cọc chéo chữ X vào cây và buộc dây để tránh lay gốc làm chết cây. Sau khi trồng tủ xung quanh gốc bằng rơm, rác mục và tưới nước giữ ẩm cho cây liên tục trong một tháng đầu để tạo độ ẩm cần thiết cho rễ phát triển. Sau trồng 1 tháng cây ổn định, rạch nilon ở vết ghép để cây sinh trưởng, phát triển. Khi cây phát triển được 3 cơi lá thì nên bấm bỏ đọt. Khi cây ra chồi thứ cấp, chọn 3 chồi phát triển mạnh nằm theo hình tam giác đều, bấm đọt như trên, để cho đến khi chồi non của 3 chồi này mọc ra đủ 3 cơi lá nữa thì bấm ngọn tiếp. Cứ thế bấm đọt đến lần thứ 3 thì thôi, để cho cây phát triển tự nhiên. Ở giai đoạn cây trưởng thành, nên cắt tỉa những cành mọc bên trong tán, cành quá gần mặt đất, cành sâu bệnh, cành không hiệu quả và cuống hoa, nhánh vụn của mùa trước.
b. Chăm sóc
Thời kỳ cây còn nhỏ, tức mới trồng được 1-3 năm tuổi. Thời kỳ này cây sinh trưởng mạnh hầu như quanh năm để hoàn thiện bộ khung tán. Chính vì vậy, việc cung cấp đủ phân, đủ nước, diệt trừ cỏ dại thường xuyên để tạo điều kiện thuận lợi cho cây sinh trưởng là rất cần thiết.
c. Tưới nước
Trong thời kỳ cây còn nhỏ việc tưới nước có thể tiến hành quanh năm nhằm cung cấp đủ nước cho các đợt lộc non hình thành và phát triển. Đặc biệt trong thời gian đầu sau khi trồng mới, việc tưới nước cần phải duy trì từ 3-4 ngày/lần. Càng về sau số lần tưới càng ít đi nhưng phải duy trì được độ ẩm thường xuyên cho diện tích đất xung quanh gốc. Để hạn chế bớt cỏ dại và ngăn cản quá trình bốc hơi nước ta nên dùng rơm rác mục, cỏ khô tủ lại xung quanh gốc, tủ phần tán cây có bán kính 0,8-1m, và để trống phần diện tích cách gốc 20cm để hạn chế côn trùng, sâu bọ làm tổ, phá hoại gốc cây.
d. Làm cỏ
Thời kỳ đầu do bộ tán cây còn nhỏ nên các loại cỏ dại có điều kiện sinh trưởng, phát triển. Vì vậy, làm cỏ cần phải tiến hành thường xuyên và là công việc tốn khá nhiều công sức. Tuy nhiên, tùy theo đặc điểm của từng vùng ta có cách thức xử lý cỏ phù hợp khác nhau. Nếu vườn chỉ có các loại cỏ lá rộng thân thẳng phát triển, việc diệt trừ cỏ sẽ đơn giản và đỡ tốn công hơn nhiều. Cách diệt cỏ loại này đơn giản nhất là dùng dao phát cán dài, phía mũi dao cong lại như mũi liềm. Khi cỏ cao khoảng 20cm thì dùng dao phát ngang sát mặt đất để cắt đứt thân cây cỏ. Phần thân bị cắt đứt được thu gom lại, phơi khô sau đó tủ lại xung quanh gốc cây.
e. Xử lí ra hoa sớm
Là việc làm nhằm mục đích tránh tình trạng vào vụ thu hoạch rộ thì bị rớt giá. Tất nhiên, nhà vườn phải cân nhắc kỹ và có đủ điều kiện, trình độ kỹ thuật thì mới có thể thực hiện thao tác xử lý ra hoa sớm. Đối với cây xoài già thì có thể tưới thuốc vào thời điểm cây ra được 1-2 cơi đọt, đối với cây tơ thì tưới vào lúc cây ra được 2-3 cơi đọt. Tưới khi cây vừa ra đọt cuối khoảng 10cm hoặc ra lá lụa. Có thể dùng một số loại thuốc ức chế tăng trưởng để tưới như chặn đọt 06 hoặc ức chế đọt, liều lượng 10cc pha với 5-10 lít nước tưới cho 1m đường kính tán và tưới sát gốc, sau đó giữ ẩm 20 ngày. 2 tháng sau dùng KNO3
f. Bảo vệ hoa và trái non
Việc bảo vệ hoa và trái non là rất quan trọng. Có thể phun thuốc (Pyrinex, Sago Super, Butyl) bảo vệ hoa lần 1 khi phát hoa dài 2-3cm để ngừa rầy chích hút. Lần hai phun khi hoa đạt kích thước tối đa. Sau đó, ngưng phun thuốc để bảo vệ côn trùng có ích giúp hoa thụ phấn. Trong giai đoạn này, nếu mưa nhiều, nhất là mưa đêm, thì sáng hôm sau rung cành cho rụng bớt hoa không thụ phấn, kết hợp phun thuốc phòng trừ nấm gây bệnh thán thư (dùng thuốc Bendazol, Carbenzim, liều lượng theo hướng dẫn). Cứ hễ mưa xong là phun thuốc. Khi trái non đạt kích thước đường kính 1-2mm (còn gọi là đậu trứng cá), phun thuốc ngừa bệnh tán thư. Dùng các loại thuốc như Antracol, Viben-C, và phun Pyrinex, Fastac để ngừa sâu rầy. Sau khi xoài đậu trái thường phải qua thời kỳ rụng sinh lý, kéo dài khoảng 35-45 ngày. Qua thời kỳ này thì xoài không rụng nữa. Giai đoạn này, bao trái là hiệu quả nhất nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu mà vẫn bảo vệ được trái xoài khỏi sâu bệnh hại, vừa giúp cho vỏ xoài trắng đẹp. Trong tự nhiên, xoài thường ra hoa lẻ tẻ không đồng loạt. Để cho xoài ra hoa tập trung phải xử lý bằng KNO3 nồng độ 1,25-1,5% (1lít nước và 12-15g KNO3) phun ướt hết các lá xoài. Sau khi phun 3-7 ngày xoài sẽ ra hoa.
g. Bón phân
– Giai đoạn cây tơ: Hàng năm nên bón mỗi gốc từ 200-400g phân Xô vọt đọt và khoảng 200g phân urê, lượng phân này được chia ra làm 2 lần bón vào đầu và cuối mùa mưa. Về cách bón, có thể bón theo lỗ hoặc rải đều xung quanh gốc theo phạm vi của tán và cách gốc từ 0,3-0,5m. Ngoài ra, nên bón bổ sung từ 1-3 kg phân KOMIX chuyên dùng cho cây ăn trái để bổ sung chất hữu cơ cho đất giúp cây xoài phát triển ổn định.
– Giai đoạn cây trưởng thành: Bón tối thiểu từ 2-5kg/cây loại phân xô vọt đọt và từ 3-4 kg phân KOMIX, chia đều 2 lần bón vào đầu mùa mưa (lúc cây mang trái) và vào tháng 9-10 dương lịch (trước khi cây ra hoa). Lượng phân bón có thể tăng sau những năm trúng mùa để cây phục hồi sức cho trái năm sau.
Viết bình luận
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.