Tình trạng cây trồng bị úng nước, trở nên héo úa rồi chết dần do một nguyên nhân nào đó trong quá trình trồng là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, điều may mắn chính là nếu biết được dấu hiệu và đưa ra được biện pháp xử lý, phục hồi phù hợp, kịp thời thì bà con hoàn toàn có thể khắc phục được vấn đề này và cứu cây.
I. Dấu hiệu nhận biết cây bị úng nước
1. Cây chậm phát triển
Dấu hiệu đầu tiên cần phải kể đến chính là tình trạng cây chậm phát triển. Bởi trên thực tế, khi cây bị úng nước, rễ của chúng sẽ không thể hấp thu chất dinh dưỡng, cung cấp cho các bộ phận khác trên cây để nuôi dưỡng sự phát triển. Do đó, khi theo dõi cây trồng, nếu thấy quá trình phát triển của cây chậm, lá và cành héo, chết dần kèm theo tình trạng xuất hiện các đốm nâu trên cây khi vẫn luôn được tưới nước đều đặn thì cần nhanh chóng đưa ra biện pháp khắc phục kịp thời.
2. Xuất hiện rêu mốc và mùi hôi
- Cách thứ hai để nhận biết tình trạng cây trồng bị úng nước đó là bà con hãy kiểm tra bề mặt đất trồng và xung quanh gốc cây. Nếu thấy có xuất hiện các đám rêu màu trắng ngọc hoặc xanh mọc thành từng đám nhỏ đang dần lan rộng ra thì rất có thể cây trồng đã bị úng nước.
- Ngoài ra, bà con còn có thể nhận biết tình trạng này bằng cách kiểm tra cây có bị bốc lên mùi thối rữa, khó chịu hay không. Tuy nhiên, trong trường hợp rễ cây đã bám quá sâu vào đất hoặc cây vừa bị úng thì điều này sẽ khó phát hiện.
3. Lá cây chuyển màu
Như đã đề cập ở trên, khi cây bị úng nước, rễ sẽ không thể cung cấp dinh dưỡng cho các bộ phận trên cây. Theo đó, các lá cây sẽ dần chuyển sang màu loang lổ hoặc xanh và lang ra toàn bộ bề mặt. Khi thấy tình trạng này, bà con cần kiểm tra và xử lý ngay để tránh chết cây.
II. Nguyên nhân khiến cây trồng bị úng nước
Tình trạng cây trồng bị úng nước có thể bắt nguồn từ một trong các nguyên nhân sau đây:
- Đất trồng bị thiếu oxy, khiến quá trình hấp thụ dưỡng chất, trao đổi khí của cây gặp nhiều khó khăn.
- Cây được cung cấp quá nhiều nước so với nhu cầu, diện tích đất trồng, thể tích chậu hoặc khả năng thoát nước của chậu kém. Đây là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật yếm khí phát triển, hình thành CO2, các axit hữu cơ và một số chất độc hại, tạo ảnh hưởng xấu cho cây trồng.
- Giá thể bết, giữ nước và không tơi xốp, khiến muối tích tụ bên trong đất và ảnh hưởng xấu đến cây trồng.
- Các tuyến trùng phát triển, gây nên các vết thương và bệnh bướu rễ. Từ đó, tạo điều kiện cho nấm hại cây xâm nhập.
- Được tưới nước quá nhiều khiến cây bị úng và thối.
III. Cách xử lý, phục hồi cây trồng bị úng nước
Ngay khi phát hiện ra vấn đề và tình trạng cây trồng bị úng nước chưa đến mức quá nghiêm trọng, bà con cần nhanh chóng tiến hành xử lý, phục hồi cây bằng các bước:
Bước 1: Đưa cây vào bóng râm
Đầu tiên, bà con cần dừng ngay việc tưới nước, mang cây trồng vào nơi có bóng râm để hạn chế tối đa tình trạng mất nước ở thân, lá vì rễ đang không thể cung cấp nước.
Bước 2: Lấy cây ra khỏi chậu
Dùng tay vỗ nhẹ vào thành chậu để làm đất bong khỏi rễ rồi nhẹ nhàng rút cây ra ngoài. Tiếp đến, bóc bỏ phần đất cũ, loại bỏ toàn bộ đất ra khỏi rễ cây bằng cách bóp vỡ đất và phủi sạch. Điều này sẽ giúp cây khô nhanh hơn và có thể tiếp tục được trồng. Cần thực hiện một cách cẩn thận, tránh làm đứt rễ cây.
Bước 3: Đặt cây bên ngoài chậu
Trước khi trồng cây lại vào chậu, bà con cần để cây bên ngoài trong khoảng thời gian từ vài tiếng đồng hồ đến nữa ngày trên giá đỡ bằng dây lưới để các đầu rễ được hong khô.
Bước 4: Tỉa bỏ bớt rễ cây
Bà con hãy quan sát rễ cây một cách cẩn thận và cắt tỉa đi những đoạn rễ màu nâu, bốc mùi và thối rữa đến sát gốc cùng những đoạn cành, lá đã chết, bị chuyển màu.
Bước 5: Chọn đất trồng mới
Để đảm bảo sự phục hồi, phát triển tốt của cây, bà con hãy chọn phần đất trồng mới có độ thông thoáng, tơi xốp cao. Ngoài ra, để tăng khả năng thoát nước cho cây trồng, bà con có thể lót dưới đáy chậu một lớp giá thể viên đất nung, sử dụng loại chậu có nhiều lỗ thoát nước để giúp bộ rễ cây được bảo vệ một cách hiệu quả.
Bước 6: Trồng cây vào chậu mới
Đặt nhẹ nhàng cây trồng vào chậu mới rồi lấp đầy phần khoảng trống xung quanh rễ cây. Trong trường hợp thời tiết quá nắng nóng, bà con cần che mát cho phần lá cây để tăng khả năng giữ nước, hạn chế việc tưới cây quá nhiều.
Bước 7: Phục hồi cây trồng
Khi nhận thấy lớp đất bề mặt đã khô ráo, bà con tiến hành tưới nước trực tiếp vào đất để chúng đến được rễ cây, kết hợp bón phân đúng cách và liều lượng. Thông thường, sau từ 7 ngày đến 10 ngày thì cây đã được phục hồi hoàn toàn, bộ rễ đã bắt đầu được ổn định.
Viết bình luận
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.