Dưa hấu là loại cây trồng đem lại năng suất trồng trọt cao nhưng thường gặp rất nhiều sâu bệnh hại. Vì thế người trồng dưa hấu phải nắm được các căn bệnh thường gặp để có hướng trị bệnh hiệu quả . Một số loại sâu bệnh có thể gặp ở dưa hấu như:
I. Sâu hại
1. Bọ dưa
- Bọ dưa chủ yếu gây hại trong mùa nắng, hoạt động mạnh vào lúc sáng sớm hay chiều mát. Bọ gây hại bằng cách cạp lớp biểu bì trên lá thành một vòng tròn, phần bị cạp sẽ đứt rời khỏi lá.
- Bọ dưa thường gây hại trên các cây còn non, nếu mật độ cao, bọ dưa có thể ăn trụi hết lá và đọt non, ngoài gây hại trên lá, bọ dưa còn đẻ trứng vào đất, gần gốc, trứng nở ra ấu trùng ăn rể, đục vào gốc khiến cây bị vàng héo, kém phát triển.
- Phòng trị: Sau khi thu hoạch, vệ sinh đồng ruộng, đốt bỏ, tiêu huỷ tàn dư thực vật, trước khi trồng cần cày bừa, phơi đất, diệt sâu non, nhộng. Thường xuyên thăm đồng, khi mật độ bọ dưa cao, có thể phun trừ bằng thuốc: Secsaigon 25EC hay rải thuốc hạt như Sago-super 3GR quanh gốc khi trồng hay trước khi cây ra hoa để diệt sâu non.
2. Ruồi đục lá
- Ruồi hoạt động mạnh từ sáng đến chiều. Ruồi gây hại bằng cách dùng bộ phận đẻ trứng rạch mặt trên lá tạo nhiều lổ và đẻ trứng vào. Trứng nở ra dòi bắt đầu đục thành những đường ngoằn ngoèo, trước nhỏ sau lớn dần theo sự phát triển của ấu trùng.
- Đường đục xuất hiện ở hai mặt lá, tuy nhiên thấy rõ nhất ở mặt trên lá. Khi trưởng thành, dòi đục thủng biểu bì, chui ra ngoài hoá nhộng. Các vết thương do ruồi gây hại làm lá khô, trái nhỏ, cây phát triển kém.
- Phòng trị: Vệ sinh đồng ruộng sau thu hoạch. Cày sâu để tiêu diệt nhộng, làm sạch cỏ bờ. Cần phòng trị sớm khi cây bắt đầu ra lá mới, có thể dùng tay ngắt bỏ lá bị hại nặng, nếu ruồi hại nhiều có thể dùng thuốc hoá học Secsaigon 25EC, Roninda 100SL phun trừ.
3. Nhện đỏ
- Nhện đỏ thường gây hại vào mùa khô, lúc trời nắng nóng, có kích thước nhỏ, gây hại chủ yếu ở mặt dưới lá bằng cách chích hút nhựa lá và đồng thời còn bơm độc tố vào khiến lá bị mất màu xanh và chuyển sang màu vàng, từ từ bị khô héo, rụng.
- Phòng trị: Do nhện nhỏ, khó phòng trị, nên cần phát hiện sớm. Để trừ nhện đỏ có thể dùng các loại thuốc đặc trị nhện như dầu khoáng SK Enspray 99EC. Lưu ý cần phun nhiều nước, phun đều hai mặt lá, nhất là mặt dưới lá, phun sáng sớm hay chiều mát.
4. Bọ trĩ (bù lạch, rầy lửa):
- Bọ trĩ có kích thước nhỏ, có thể quan sát bằng mắt thường. Bọ trĩ chủ yếu sống và gây hại bằng cách chích hút nhựa ở các bộ phận non như lá, chồi, đọt non, bông, trái non… làm đọt, lá non xoăn lại, chồi khô héo, bông rụng, da trái sần sùi (da cám).
- Trên lá triệu chứng đặc trưng do bọ trĩ gây ra là lá cong queo, hai mép lá cong, cúp lại phía bên dưới, triệu chứng này kết hợp với triệu chứng do rệp dưa làm cho đọt non bị sượng, ngẩng đầu lên cao nên nông dân gọi là “ ngẩng đầu lân”. Bọ trĩ chủ yếu gây hại vào lúc trời khô, hanh, nắng nóng.
- Phòng trị: Bọ trĩ tương đối khó trị vì chúng có kích thước nhỏ, sống và gây hại mặt dưới lá, mặt khác bọ trĩ hình thành tính kháng thuốc tương đối nhanh. Có thể sử dụng như Osago 80WG, có thể kết hợp với dầu khoáng SK Enspray 99EC.
5. Rầy mềm (rệp dưa, rầy nhớt, rầy mật…)
- Gây hại đặc trưng với mật số lớn chích hút nhựa ở mặt dưới lá, nhất là đọt non, bông, làm lá, đọt, chồi, bông bị khô héo. Nếu rầy mềm chích hút vào giai đoạn cây có hoa, trái non, sẽ khiến hoa và trái dễ bị rụng… ngoài việc chích hút nhựa, rầy mềm còn là tác nhân truyền bệnh virus cho cây gây bệnh khảm vàng.
- Phòng trừ: Thu dọn tàn dư cây trồng sau thu hoạch. Thường xuyên thăm đồng để phát hiện và phòng trị kịp thời vì rầy mềm nhân mật số rất nhanh. Nếu rầy xuất hiện với mật số lớn nên phun trừ kịp thời bằng thuốc trừ sâu như Secsaigon 25EC, Osago 80WG.
II. Bệnh hại
1. Bệnh chết héo cây con (lở cổ rễ, héo tóp thân):
Nấm gây hại cổ rễ cây con chỗ giáp mặt đất, vết bệnh có màu nâu đen, bệnh làm cổ rễ teo tóp lại và thối cổ rễ, lá vẫn còn xanh sau héo dần, cây ngã ngang và chết. Bệnh thường phát sinh gây hại chủ yếu ở giai đoạn cây con.
2. Bệnh nứt thân chảy nhựa (bệnh bã trầu):
Trên lá, vết bệnh lúc đầu là những chấm nhỏ màu nâu nằm thành từng đám trên lá, từ bìa lá lan vào thành từng mảng màu đen, lá bị cháy, khô rụng. Trên thân, nhánh thân, vết bệnh có hình bầu dục, màu xám trắng, hơi lõm, vết bệnh nhựa cây ứa ra thành giọt, sau đó đổi thành màu nâu đen và khô cứng lại, vỏ thân nứt ra. Trên quả, lúc đầu có những đốm nhũn nước, sau đó đốm bệnh khô, có màu nâu và bị nứt. Ngoài ra bệnh còn gây hại trên cuống làm cho quả không phát triển được hoặc bị rụng.
3. Bệnh đốm phấn:
Bệnh gây hại chủ yếu trên lá. Ở mặt trên lá, đốm bệnh lúc đầu nhỏ, có màu xanh nhạt đến nâu nhạt và thường bị giới hạn giữa các gân phụ của lá, nên đốm bệnh có dạng hình góc cạnh.
4. Bệnh thán thư:
Trên lá, xuất hiện ở các lá già bên dưới trước, vết bệnh lúc đầu hình tròn nhỏ, màu xanh xám, sau chuyển sang màu nâu và có các đường vòng đồng tâm. Trên thân, vết bệnh có màu nâu xám, hơi lõm, bệnh nặng làm cho thân cháy khô và teo lại. Trên quả, đốm bệnh tròn, úng nước, màu nâu đen, lõm vào vỏ, bệnh nặng các vết bệnh liên kết thành mảng lớn gây thối quả, nhũn nước.
5. Bệnh giả sương mai:
Trên lá, ban đầu vết bệnh là những đốm hình đa giác hơi vàng, những vết đốm này được giới hạn bởi các mạng gân lá, nằm rải rác hoặc nằm dọc các gân lá. Sau đó vết bệnh chuyển dần sang màu nâu nhạt, xám bạc. Bệnh nặng, nhiều vết bệnh liên kết lại với nhau thành từng mảng làm cho lá bị vàng, khô cháy và rụng sớm. Gặp mưa hoặc sương mù nhiều tạo ẩm ướt, chỗ bị bệnh có thể bị thối nhũn. Bệnh có thể lây lan sang cả thân, cành và hoa quả.
6. Bệnh ghẻ:
Trên lá, đốm bệnh nhỏ, tròn hay hơi có góc cạnh, úng nước, có quầng vàng nhạt đến nâu bao quanh. Trên thân, đốm bệnh có hình thoi dài, màu nâu xám đến màu đen. Trên quả, quả còn non có đốm nhỏ, màu nâu sậm, lõm vào thịt; khi quả lớn dần, vết bệnh có dạng không đều, màu trắng xám, vết bệnh thối và cứng.
7. Bệnh héo vàng:
Nấm gây hại làm gốc và rễ bị thối đen. Dây dưa bị héo rũ vào buổi trưa nắng và tươi lại vào buổi chiều hay sáng sớm. Cây héo từng phần xảy ra trong vài ngày rồi lan ra cả cây, làm cây chết.
Thời tiết nóng, ẩm, mưa nhiều là điều kiện thích hợp cho các bệnh trên phát sinh, phát triển và lây lan.
=> Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng, cày phơi đất và xử lý đất, thu gom và tiêu hủy các tàn dư thực vật trước khi gieo trồng. Bón phân cân đối, tránh bón thừa phân đạm. Kiểm tra ruộng dưa thường xuyên, khi phát hiện bệnh: Ngắt bỏ các lá bị bệnh, phun ướt đều hai mặt lá bằng một trong các loại thuốc sau: Ridomil Gold 68 WP, Anvil 5EC, Validacin 3SL, Đồng Oxyclorua, Tilt super 300 EC, Tilt 250 EC…
Viết bình luận
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.