Rau gia vị là gì ?
Rau gia vị là rau có mùi thơm riêng biệt, do thành phần có chứa các tinh dầu tạo thành.Mỗi loại rau thơm lại có hương vị riêng và phù hợp với các món ăn khác nhau. Sử dụng cây gia vị là một điểm đặc trưng của ẩm thực Việt Nam.
Thông thường, người ta sẽ cho rau thơm vào giai đoạn cuối khi nấu ăn để món ăn dậy vị. Một số loại rau thơm giúp khử bớt mùi tanh của món ăn. Nếu sử dụng rau sống thì rau gia vị còn có tác dụng trang trí để gia tăng hương sắc của ẩm thực. Một số loại rau thơm còn giúp khử bớt mùi tanh của món ăn. Một tác dụng nữa của rau gia vị chính là tốt cho sức khỏe, hỗ trợ điều trị một số bệnh.
I. Các loại rau gia vị hữu ích, dễ trồng
1. Hành lá
Hành lá còn được biết đến là hành hoa, hành ta… là một loại cây thân thảo hình ống màu xanh, rỗng ruột. Hành lá thường được dùng để trang trí các món ăn như bún phở, món kho, món xào. Gần như món ăn nào cũng có thể sử dụng hành lá nên đây là loại rau rất phổ biến. Tuy vậy, mùi vị của hành lá sẽ hơi cay nhẹ và hăng nên một số người không sử dụng được loại cây gia vị này.
Hành lá có công dụng chữa bệnh phổ biến nhất là giải cảm. Mỗi khi bị cảm chỉ cần ăn bát cháo hành nóng sẽ giúp cơ thể thải khí độc, lưu thông mạch máu nhanh chóng. Ngoài ra, hành lá còn giúp tiêu đờm, giảm ho tốt. Trong các bài thuốc trị viêm nhiễm, mụn nhọt cũng dùng hành lá.Loại rau này rất dễ chăm sóc, không kén môi trường sống nên bạn có thể tự trồng ngay tại nhà.
2. Mùi tàu ( ngò gai )
Rau mùi tàu còn được gọi là ngò gai, mùi gai, ngò tàu, rau mùi,…Mùi tàu thuộc cây thân thảo, thấp với các lá thuôn dài, lá có viền răng cưa. Bộ phận được sử dụng chủ yếu của mùi tàu là phần lá.
Lá rau mùi được dùng để làm gia vị, hương liệu trong nấu ăn. Loại rau gia vị này được dùng nhiều trong các món canh. Đặc biệt không thể thiếu trong món canh măng, phở hoặc cà ri,… Bên cạnh đó nó còn được sử dụng để trang trí món ăn. Mùi thơm của ngò rai rất đặc trưng và cuốn hút. Nhưng cũng giống như hành lá, không phải ai cũng có thể ăn được ngò gai.
Loại rau này còn có tác dụng điều trị một số bệnh như sốt, đầy hơi,…
3. Rau mùi ( ngò rí )
Rau mùi hay còn gọi là ngò rí, rau ngò, mùi ta,.. Là loại cây thân thảo.
Loại rau này cũng được xem như loại rau gia vị “quốc dân” với độ phổ biến của nó. Nó có hương thơm rất dễ chịu, tốt cho sức khỏe. Mùi hương của rau mùi được mô tả như hương chanh với vị chua nhẹ. Trong khi đó, hạt của loại rau này lại có vị cay và hương nồng.
Với loại rau này bạn cũng có thể cho vào các món ăn như salad, món xào, món luộc… và dùng để trang trí cho món ăn thêm đẹp mắt. Ngoài những công dụng đó, rau mùi còn giúp thanh nhiệt, giải độc, trị các bệnh như hôi miệng, mụn nhọt và kích thích tiêu hóa.
4. Rau ngổ ( ngò om )
Rau ngổ còn có tên gọi khác là ngò om, ngò thơm, ngổ đắng… Rau ngổ thuộc loại cây thân thảo, thân cây mềm xốp, có cảm giác nhiều nước. Rau ngổ cũng là một loại rau gia vị được dùng nhiều trong các bữa cơm gia đình Việt.
Mùi thơm của rau ngổ giúp cho các món như canh cá, canh chua, chuối om,… có được hương vị đúng chuẩn. Loại rau này là gia vị không thể thiếu khi ăn với món lòng.
Bên cạnh đó, các dưỡng chất có trong loại rau này giúp hỗ trợ điều trị một số bệnh như tiểu đường, mỡ máu, đầy bụng, mất ngủ,…rất hiệu quả.
5. Rau răm
Rau răm thuộc loại cây thân thảo, lá của chúng được sử dụng phổ biến trong các món ăn của người Việt. Loại rau gia vị này có vị hơi cay nồng, mùi hắc và có tính nhiệt.
Rau răm thường được sử dụng khử mùi tanh trong các món cá kho, cháo sườn, cháo trai… Và được ăn kèm với trứng vịt lộn, trong các món gỏi trộn, bánh cuốn, bánh tráng trộn… Nó góp phần đem lại hương vị đặc biệt cho các món ăn.
Rau răm có tác dụng tốt trong việc trị tiêu hóa kém, say nắng.
6. Bạc hà
Bạc hà thuộc họ hoa môi, có lá mọc đối nhau, dạng hình bầu dục, lá viền răng cưa, cuống lá ngắn.
Bạc hà có vị the mát, mang đến hương vị dịu mát ngay đầu lưỡi cho người ăn. Chúng được sử dụng phổ biến để trang trí đồ uống, các món bánh hoặc dùng làm rau ăn sống. Hiện nay bạc hà còn được điều chế làm tinh dầu và nước hoa.
Bạc hà còn là loại thuốc quý trong việc chữa trị cảm cúm, đầy hơi, lợi tiêu hóa,… Tinh dầu bạc hà làm dịu cơn hen suyễn, làm xẹp vết cắn côn trùng,..
Với những công dụng tuyệt vời bạc hà đã trở thành loại rau phổ biến và được sử dụng nhiều.
7. Rau húng lủi
Húng lủi hay còn gọi là húng láng, húng dũi, húng chó ... Thuộc họ hoa môi, hình thuôn dài, lá có cuống, mép khía răng cưa.
Húng lủi và bạc hà có vẻ bề ngoài tương đối giống nhau. Để phân biệt thì nên dựa vào phần lá. Lá húng lủi trơn láng, ít nhăn còn lá bạc hà thì có một lớp lông mịn và có răng cưa.
So với bạc hà thì húng lủi được sử dụng phổ biến trong ẩm thực hơn. Húng lủi là rau gia vị không thể thiếu với các món cháo lòng, món nộm, món gỏi trộn… Ngoài ra, nó được dùng ăn kèm với các loại rau sống.
Cũng như nhiều loại rau gia vị khác, húng lủi có công dụng kích thích hệ tiêu hóa tốt.
8. Rau thì là
Thì là cũng là loại cây gia vị quen thuộc với người Việt Nam. Đây là loại cây thân thảo, lá mọc xen kẽ, mềm mỏng và không có cuống. Đặc trưng của rau thì là chính là hương vị ngọt đặc biệt. Rau có tính nóng, có thể khử được mùi tanh nên thường dùng cho các món ăn hải sản.
Ngoài ra, rau thì là có tác dụng tốt trong việc cải thiện hệ tiêu hóa, lợi sữa, điều hòa âm dương, điều trị bệnh tiểu nhiều, tiểu buốt. Nước ép lá thì là giúp hỗ trợ điều trị sốt rét ác tính.
9. Tía tô
Cây tía tô thuộc họ hoa môi.Cây tía tô có màu tím, phần lá hơi cứng, thuộc họ hoa môi, được sử dụng làm cây gia vị cho những món canh hoặc ăn kèm cùng món nộm, gỏi.
Tía tô không chỉ là một loại rau được dùng trong các bữa ăn thông thường. Mà trong đông y tía tô vừa tốt cho sức khỏe, vừa có tác dụng trong việc làm đẹp. Nếu bị cảm người ta thường dùng lá tía tô để nấu cháo hoặc nấu nước uống để giải cảm. Ngoài ra, nước ép từ lá tía tô còn trị được dị ứng do ăn hải sản.
10. Húng quế
Húng quế còn được gọi với tên gọi khác như rau quế,…thuộc họ hoa môi. Rau húng quế là loại rau ăn kèm không thể thiếu với các món bún, phở hoặc lòng heo. Hạt của loại rau gia vị này được dùng trong các món chè, nước giải khát và làm đẹp.
Lá húng quế vừa làm gia vị trong ẩm thực, vừa loại thuốc hiệu quả điều trị các bệnh như đau đầu, rối loạn kinh nguyệt, viêm da,..
11. Rau kinh giới
Cây kinh giới hay còn gọi là khương giới, canh giới,… Loại rau này rất phổ biến, dễ trồng và thích nghi rất tốt.
Kinh giới là loại rau được sử dụng nhiều trong các món nộm. Đặc biệt, chúng được xem là thành phần không thể thiếu trong món bún đậu mắm tôm. Hương vị của nó giúp tăng mùi vị cho món ăn, giảm mùi hắc của mắm tôm.
Bên canh đó, nó cũng được xem như là một vị thuốc có rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, giúp trị cảm lạnh, lợi tiểu, viêm họng, khàn tiếng,…
12. Rau diếp cá
Diếp cá hay còn còn là rau giấp cá hoặc lá giấp… So với các loại rau thơm trên thì rau diếp cá kén người ăn hơn bởi loại rau này có mùi hơi tanh. Tuy nhiên, với những người ăn quen thì rau diếp cá có vị bùi, thơm ngon, mát, giàu dinh dưỡng. Rau diếp cá thường ăn kèm với các loại rau sống, các món gỏi, bánh xèo…
Ngoài ra, loại rau này có tác dụng tốt cho đường tiết niệu, trị bệnh trĩ hiệu quả. Rau diếp cá đập dập đắp lên vết thương để sát trùng, tiêu viêm hiệu quả. Uống nước ép rau diếp cá giúp giải nhiệt cơ thể.
13. Lá lốt
Lá lốt thuộc họ nhà hồ tiêu, cây thân leo.
Món bò lá lốt chính là sự kết hợp tuyệt vời nhất giữa lá lốt và thịt bò. Loại rau gia vị này còn được dùng để nấu các món om như : ốc, chuối đậu,… Bên cạnh đó, món chả lá lốt cũng là một món được nhiều người yêu thích.
Các bài thuốc dân gian từ lá lốt có thể chữa các bệnh về viêm nhiễm, khí hư,… Ngoài ra, các bệnh như say nắng, đau đầu, đau bụng lạnh,… cũng được chữa khỏi nhờ lá lốt.
II. Cách trồng các loại rau gia vị đơn giản nhất
1. Bước 1:
Chuẩn bị đất và các nguyên liệu trồng rau. Cây gia vị đều có thân nhỏ, thấp nên bạn có thể trồng vào các khâu hoặc hộp xốp. Kích thước tối thiểu của giá thể là 25 cm, đổ đầy đất trồng và san phẳng.
2. Bước 2:
Tiến hành gieo hạt vào khu đất đã chuẩn bị. Đối với rau tía tô, kinh giới, rau húng, thì là bạn gieo với tỷ lệ 1 gram hạt giống 1 khay đất đường kính 25 cm. Rau mùi – ngò rí thì cần ngâm hạt giống trước khoảng 10 giờ đến 12 giờ trong nước ấm. Sau đó đem gieo với tỷ lệ 20 hạt mỗi khay.
3. Bước 3:
Sử dụng các tấm che như giấy báo, tấm bìa để đậy kín khay ủ ẩm sau khi gieo hạt từ 2 đến 3 ngày. Sau khi cây đã nảy mầm thì bạn có thể bỏ tấm đậy ra. Kiểm tra độ ẩm thường xuyên và đưa cây ra khu vực nhiều nắng sau khi rau đã mọc được khoảng 2 lá mầm.
4. Bước 4:
Giai đoạn đầu thì tưới nước 2 lần mỗi ngày cho cây gia vị. Khoảng thời gian thích hợp là tưới rau vào sáng sớm hoặc chiều tối. Bạn cũng nên bón phân cho cây để rau phát triển tốt hơn. Có hai giai đoạn bón phân cơ bản là trước khi gieo hạt (bón lót) và sau khi cây đã nảy mầm (bón thúc). Một số loại cây gia vị như tía tô, kinh giới hay rau húng cần được bấm ngọn để cây lớn nhanh và ra nhiều lá hơn.
5. Bước 5:
Sau khoảng 30 đến 45 ngày là bạn có thể thu hoạch các loại rau gia vị này. Tiếp tục bón phân và chăm sóc cây để thu hái các lứa rau tiếp theo.
Viết bình luận
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.