Ổi là cây dễ trồng, nhanh cho thu hoạch, có thể trồng xen hoặc trồng chuyên canh. Trong những năm gần đây, cây ổi đang là một trong những cây ăn quả chủ lực đem lại giá trị kinh tế cao cho người trồng. Tuy nhiên cây ổi cũng bị nhiều đối tượng sinh vật gây hại làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, năng suất và chất lượng nếu không phát hiện và phòng trừ kịp thời.
I. Sâu hại
1. Rệp phấn trắng
- Đặc điểm gây hại:
Rệp sống tập trung thành đám ở mặt dưới lá và cuống quả, hút nhựa làm lá vàng, trái nhỏ phát triển kém, kèm theo chỗ có rệp nấm bồ hóng đen phát triển làm mất mã quả. Chích hút dịch cây, gây hại các lá non, lộc non và quả cây lá trên cây nhỏ, bị khô, quả bé. Rệp phát sinh quanh năm, thường vào các tháng mùa khô, nắng nóng, gây hại chủ yếu vào mùa nắng.
- Biện pháp phòng ngừa
+ Áp dụng đồng bộ các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM. Không nên trồng ổi quá dày, thường xuyên cắt tỉa bỏ những cành bị sâu bệnh, cành tược nằm khuất trong tán lá, cành già không có khả năng cho quả để vườn luôn thông thoáng.
+ Dùng máy bơm nước có áp suất cao xịt mạnh tia nước vào chỗ có nhiều rệp sẽ có tác dụng rửa trôi bớt rệp.
+ Bao quả
+ Kiểm tra vườn ổi thường xuyên để phát hiện và phun thuốc diệt trừ rệp kịp thời, nhất là giai đoạn cây đang có lộc non, lá non, quả bằng một trong các loại thuốc như : Osago 80WG, Actara 25WG, Bassa 50EC, Reasgant 3.6EC, Tasieu 1.9EC, Limater 7.5EC,…. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn ghi trên bao gói.
2. Ruồi đục quả
- Đặc điểm gây hại:
Con trưởng thành là một loài ruồi nhỏ hơn ruồi nhà (Dacus dorsalis). Nhìn bề ngoài ruồi đục quả hơi giống con ong nhưng thân ngắn hơn, mình màu nâu vàng. Con cái dùng râu để chọn những quả sắp chín rồi quay đít cắm vòi đẻ trứng chích sâu qua vỏ quả để đẻ một ổ trứng (khoảng 5-10 trứng) vào phần thịt quả. Sau ít ngày trứng nở thành các sâu non (hay còn gọi là dòi) có màu trắng ngà, không có chân đục ăn phần thịt quả xung quanh ổ trứng, càng lớn dòi càng ăn khỏe, ăn sâu vào giữa quả, kết hợp với sự xâm nhiễm của vi khuẩn và nấm làm cho vết thối lan rộng ra dẫn đến quả bị rụng hàng loạt. Khi đã lớn đẫy sức, dòi sẽ chui ra khỏi quả thối, tìm kẽ nứt ở đất hoặc gốc cây để chui vào hóa nhộng và sau đó sẽ vũ hóa để trở thành con ruồi trưởng thành như bố mẹ chúng.
- Biện pháp phòng trừ:
+ Áp dụng đồng bộ các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM.
+ Bao quả bằng túi chuyên dùng cho cây ăn quả hay các bọc nilon (lưu ý túi bao phải thoát được hơi nước tránh làm thối quả) và thu hoạch quả chín sớm hơn bình thường, không nên để quả chín lâu trên cây hấp dẫn ruồi đến tìm quả đẻ trứng (do mùi thơm của quả).
+ Thường xuyên tỉa bỏ cành già, cành tăm, cành bị sâu bệnh… để vườn luôn được sạch sẽ và thông thoáng.
+ Thu nhặt, tiêu hủy quả bị rụng, bị ruồi gây hại, vệ sinh vườn hạn chế ruồi làm nhộng trong đất.
+ Dùng thuốc Vizubon D, bẫy Pheromone để dẫn dụ và diệt ruồi đực nhằm hạn chế việc duy trì nòi giống của ruồi.
+ Khi mật độ nhiều sử dụng một trong các thuốc: Tungatin 1.8EC, .. để phun trừ.
3. Bọ xít muỗi
- Đặc điểm gây hại:
+ Bọ xít trưởng thành giống con muỗi lớn, cấu tạo miệng kiểu vòi chích hút, màu xanh. Bọ xít muỗi thường đẻ trứng rải rác hoặc từng cụm 2 - 4 trứng trên trái non hoặc trên gân lá, trứng đẻ sâu trong biểu bì để lộ ra 2 sợi lông dài. Khi mới nở màu vàng có nhiều lông, bọ xít tuổi nhỏ có màu vàng nhạt, đến khi đẫy sức chuyển sang màu xanh ánh vàng.
+ Bọ xít muỗi dùng vòi chích hút chồi non, cành non, cuống hoa và quả. Vết chích lúc đầu có màu xám chì, xung quanh màu nhạt sau đó dần dần vết chích bị thâm đen, bộ phận non bị chích thường héo khô đen, hại nặng làm lá non xoăn lại, khô héo, quả bị chích nhiều vết thâm và phát triển dị dạng. Bọ xít muỗi non gây hại nhiều hơn bọ xít muỗi trưởng thành vì chúng ít di chuyển, tập trung trên từng cây hoặc từng vùng nhỏ nên hiện tượng gây hại không rải đều trong vườn. Trong trường hợp quả ổi non bị bọ xít muỗi gây hại thì hoàn toàn không trị hết vết đen do bọ xít chích trên quả.
+ Bọ xít muỗi hoạt động vào sáng sớm hoặc chiều tối, buổi trưa trời nắng ít hoạt động ẩn nấp trong tán lá. Hoạt động mạnh sau cơn mưa trời vừa nắng, trời âm u hoạt động cả ngày, thời tiết nóng ẩm mưa nhiều. Bọ xít muỗi thường gây hại nặng trong mùa mưa, vườn rợp bóng, ẩm thấp.
- Biện pháp phòng trừ:
+Trồng mật độ vừa phải, không trồng quá dày. Vệ sinh vườn sạch sẽ, tỉa bỏ cành vô hiệu, tạo độ thông thoáng cho vườn.
+ Tiến hành bao quả khi quả có đường kính khoảng 3-4 cm
+ Không trồng những cây là ký chủ phụ của bọ xít muỗi trong vườn
+ Bảo vệ thiên địch của bọ xít muỗi: nhện, chuồn chuồn, bọ ngựa ăn thịt, bọ rùa.
+ Nên phun thuốc vào sáng sớm khi cây ra lá non, khi lộc non mới nhú và đậu quả non. Sử dụng các thuốc: Actara 25WG, Tungatin 1.8EC, 10EC, Reasgant 1.8EC, 3.6EC, Limater 7.5EC,…
4. Sâu đục quả
- Đặc điểm gây hại:
+ Bướm sâu đục quả tương đối nhỏ, có màu vàng, trên cánh có nhiều chấm đen. Trứng được đẻ rải rác trên các quả non. Sâu non có đầu nâu, thân mình sâu có màu trắng ửng hồng. Bướm hoạt động về đêm, ban ngày ẩn trong tán lá. Bướm thường bám trên chùm hoa để hút mật và đẻ trứng trên các lá đài của quả hoặc nơi dính giữa lá và trái. Mỗi bướm cái có thể đẻ từ 20-30 trứng. Sâu non khi nở bò rất nhanh và đục ngay vào quả.
+ Sâu có thể đục từ giai đoạn quả nhỏ cho đến lúc gần thu hoạch nhưng nặng nhất lúc quả bằng ngón tay cái cho đến quả bằng quả chanh. Sâu thường hóa nhộng trên cành, lá gần nơi quả bị tấn công hoặc ngay cả trên quả. Sâu gây hại vào lúc quả nhỏ sẽ làm quả sẽ bị biến dạng và bị rụng sau đó, nếu tấn công vào giai đoạn quả lớn thì sẽ làm giảm phẩm chất của quả. Bên cạnh đó, khi bị sâu gây hại, quả thường bị các loại nấm bệnh tấn công làm thối quả. Triệu chứng để nhận diện là từng đám phân mầu nâu đậm do sâu thải ra bên ngoài lỗ đục.
- Biện pháp phòng trừ:
+ Thăm vườn thường xuyên vào giai đoạn ra quả để phát hiện sớm sâu đục quả.
+ Thu gom và tiêu huỷ những trái bị sâu gây hại.
+ Tỉa cành hàng năm để tạo thông thoáng vườn cây.
+ Tỉa bỏ bớt những trái kém phát triển trong chùm.
+ Dùng bao giấy hoặc nylon bao quả sau khi đã chà bỏ đài hoa để hạn chế sâu đục quả cũng rất có hiệu quả, quả có màu sắc đẹp hơn.
+ Khi cần thiết có thể sử dụng thuốc hóa học ở những vùng thường xuyên bị nhiễm nặng, sử dụng thuốc hoá học các loại thuốc có hiệu quả đối với sâu đục trái như: Delfin WG (32BIU), Limater 7.5EC, Tasieu 1.0EC, 1.9EC, Tungatin 1.8EC, …. phun kỹ trên cành, cuống và quả khi quả còn non nhằm làm ung thối trứng mới đẻ hoặc sâu non trước khi chúng đục vào bên trong. Không phun thuốc khi quả đã lớn vì sâu đã đục vào bên trong nên không còn tác dụng diệt trừ nữa, đồng thời tránh gây ngộ độc cho người sử dụng.
II. Bệnh hại
1. Bệnh thán thư:(Do nấm Glomerella psidii)
- Đặc điểm gây hại:
+ Bệnh hại lá, ngọn, hoa và quả. Trên lá nấm tạo thành các đồm bệnh màu tím ở giữa hoặc ở bìa, chóp lá làm cho lá bị cháy từng mảng. Ngọn cây bị nấm gây hại biến màu nâu thẫm lan dân xuống phía dưới làm ngọn khô quăn, lá rụng, trời ẩm sinh các ổ nấm màu đen. Triệu chứng chết lộc non cũng thường xảy ra. Chồi và lá non có thể bị nấm tấn công, chồi ngọn trở nên hơi tím, sau đó thành nâu đen, khô giòn và dễ gãy. Nấm có thể hại quả từ khi còn non, lúc đầu là những đốm đen nhỏ như đầu kim, về sau phát triển thành đốm tròn màu nâu thẫm, lõm vào thịt trái; giữa vết bệnh có các hạt nhỏ màu đen là các ổ bào tử. Các vết bệnh nối liền mhau, vùng trái bị bệnh trở nên cứng, sù sì như những vết ghẻ. Quả bị bệnh biến dạng và dễ rụng, giảm phẩm chất nghiêm trọng. Bệnh thán thư là bệnh phổ biến gây tác hại nặng nề nhất cho cây ổi.
+ Nấm phát triển thích hợp ở nhiệt độ khoảng 250C, chết ở 500C trong 10 phút. Nấm tồn tại trong bộ phận cây bệnh ở dạng bào tử và sợi nấm, năm sau tiếp tục gây bệnh.
+ Bệnh phát triển mạnh trong mùa mưa, làm cây bị khô ngọn và thối quả nhiều.
- Biện pháp phòng trừ:
+ Tỉa cành tạo tán cho cây thông thoáng. Thu dọn, tiêu hủy các tàn dư cây bệnh.
+ Khi bệnh phát sinh phun các thuốc: Daconil 75WP, Lilacter 0.3SL, Diboxylin 2SL, Antracol 70 WP, …
2. Bệnh ghẻ(do nấm Venturia inaequalis)
- Đặc điểm gây hại:
+ Nấm thường tấn công trên các phiến lá, cuống lá, hoa và quả non, ít khi tấn công trên các chồi non. Các sợi nấm thường lây lan qua các giọt nước, gió… và xâm nhiễm vào các lỗ khí khổng của các bộ phận non ở lá, cuống hoa, quả non để phát triển và gây hại. Trên lá, bệnh thường xuất hiện đầu tiên ở mặt dưới lá trước sau đó mới lan dần. Khi mới xuất hiện đốm bệnh có hình tròn, màu xám xanh, viền dần rõ nét hơn và có tơ màu đen hơi xanh. Sau một thời gian thì các sợi tơ này biến mất, vết bệnh mọc nhô lên trông như những chiếc gai nhỏ.
+ Bệnh nặng làm cho lá bị nhỏ lại, rộp phồng lên và khô chết dọc theo bìa lá. Trên quả, vết bệnh có hình tròn, rõ nét, màu xanh xám, có các sợi tơ phát triển trên đó. Giai đoạn sau các vết bệnh chuyển màu nâu sẫm, nổi thành ghẻ và nứt. Nếu trên bề mặt quả có nhiều vết bệnh và bệnh phát triển mạnh sẽ làm cho quả bị biến dạng, méo mó, chất lượng kém, thịt quả cứng, ít nước và ăn không ngon, thậm chí bị rụng sớm.
- Biện pháp phòng trừ:
+ Đốn tỉa cành lá cho cây thông thoáng, ngắt bỏ và tiêu hủy các lá và ngọn bị bệnh
+ Bón phân cân đối, hợp lý, bổ sung đủ yếu tố trung, vi lượng giúp cây sinh trưởng khỏe mạnh, tăng sức chống chịu, hạn chế tác hại của nấm bệnh.
+ Khi có triệu chứng bệnh xuất hiện phun ngừa bằng bộ đặc trị nấm khuẩn Nano bạc đồng và Nano đồng oxyclorua HLC pha mỗi loại 30ml/bình 16lít phun kỹ trên và dưới mặt lá, phun ướt đẫm toàn bộ mặt tán. Sau 3-4 ngày phun lại một lần nữa. Đối với những vườn bị bênh nặng phun bằng: Daconil 75WP, Lilacter 0.3SL, Antracol 70WP,,… phun ướt đều lên hai mặt lá, cành, thân cây. Sau 7-10 tiếp tục phun một lần nữa với các loại thuốc trừ nấm trên. Khi cây ra lộc non phải thường xuyên theo dõi nhất là sau khi trời mưa, độ ẩm không khí cao thuận lợi cho nấm bệnh, rầy rệp phát triển, khi phát hiện phải phun thuốc trừ nấm và trừ rầy, rệp hại lộc, quả non.
Chú ý bao quả để tránh sâu bệnh hại:
- Vì ổi là lọai trái cây ăn tươi và trên cây có nhiều giai đoạn quả lớn, nhỏ hoặc đang ra hoa vì vậy chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi có mật độ sâu, bệnh đến ngưỡng; sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường; cần đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch.
- Trước khi bao quả, nên cắt tỉa những quả nhỏ, những quả bị nhiễm sâu bệnh. Sử dụng một số loại thuốc như Delfin WG (32BIU), Limater 7.5EC, Tasieu 1.0EC, 1.9EC, Daconil 75WP, Antracol 75 WP, …. phun trước khi bao quả khoảng 3-4 ngày để phòng trừ một số loại sâu bệnh. bệnh trái cây.
Viết bình luận
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.