Cây thiếu chất dinh dưỡng, còi cọc, ảnh hưởng đến năng suất cũng như sản lượng cây trồng, gây thiệt hại về kinh tế cho bà con nông dân. Việc tìm hiểu, nhận biết dấu hiệu cây thiếu chất kịp thời sẽ giúp bà con cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết, khắc phục tình trạng còi cọc, kém phát triển của cây. Từ đó nâng cao sản lượng và chất lượng cây trồng. Vậy làm thế nào để nhận biết cây trồng đang thiếu chất dinh dưỡng, hãy cùng Gold Tomato tìm hiểu nhé!
I. Triệu chứng thiếu dinh dưỡng ở cây trồng
Cây trồng sẽ hấp thụ các chất dinh dưỡng được chia làm 3 nhóm như sau:
- Nhóm nguyên tố đa lượng (đạm, lân, kali)
- Nhóm nguyên tố trung lượng (canxi, magie, lưu huỳnh)
- Nhóm nguyên tố vi lượng (đồng, mangan, kẽm, sắt, clo,..)
1. Biểu hiện cây trồng thiếu chất dinh dưỡng đa lượng
* Thiếu chất đạm (N):
Đạm là chất dinh dưỡng quan trọng của cây trồng, giúp thúc đẩy sự phát triển của rễ, cành, thân, lá cây. Khi thiếu đạm, cây sẽ có các biểu hiện như:
- Thân và cành còi cọc, sinh trưởng kém, ít đẻ nhánh, phân cành.
- Lá mỏng, màu nhạt, bị chuyển sang màu vàng và rụng sớm.
* Thiếu chất lân (P):
Cây trồng thiếu lân sẽ làm chậm quá trình sinh trưởng và phát triển của cây. Các dấu hiệu nhận biết cây thiếu lân là:
- Lá cây nhanh già, xanh sẫm hơn màu.
* Thiếu chất Kali (K):
Kali đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình quang hợp và chuyển hóa chất dinh dưỡng ở lá. Giúp gia tăng khả năng hấp thụ nước và sức chống chịu trong hoàn cảnh thời tiết khắc nghiệt.
- Xuất hiện nhiều lá vàng.
- Lá sẽ chuyển màu từ phần bìa lá vào phía trong, dần dần sẽ xuất hiện các đốm vàng, rách lá và bị rụng.
2. Biểu hiện cây thiếu các chất trung lượng
* Cây thiếu chất dinh dưỡng canxi (Ca):
Với những cây trồng bị thiếu canxi sẽ có dấu hiệu:
- Lá non mới nhú bị biến dạng, mang màu xanh sẫm không bình thường.
- Nếu cành non dễ chết, lá cây bị xoăn lại, trái cây bị nứt lại thì đó là biểu hiện của việc thiếu canxi nghiêm trọng.
* Thiếu chất lưu huỳnh (S):
Cây bị thiếu chất lưu huỳnh sẽ dễ dàng nhận biết được qua các dấu hiệu sau:
- Lá non mất màu xanh và chuyển sang màu vàng trắng.
- Lá mỏng hơn, gân và phiến lá đều bị mất màu.
- Lá bị quăn vào bên trong và dễ rách.
* Thiếu chất magie (Mg):
Tương tự như thiếu lân, thiếu magie cũng gây ra tình trạng vàng lá. Điểm khác biệt ở chỗ, khi cây thiếu lân, lá sẽ bị bàng từ rìa vào trong còn khi thiếu magie thì lá bị vàng chuyển từ ở phần thịt giữa các gân lá ra và phần bìa lá vẫn có màu xanh.
Nếu cây bị thiếu magie trong thời gian dài sẽ khiến toàn bộ lá cây chuyển sang màu vàng và rụng sớm. Cây đậu trái ít, quả nhỏ và thiếu chất ngọt.
3. Biểu hiện thiếu các chất vi lượng
* Thiếu chất đồng (Cu):
Việc thiếu đồng ở cây sẽ khiến cây xuất tình trạng chảy gôm (cây chảy nhựa hay chảy mủ ở thân). Ngoài ra cây thiếu đồng sẽ tăng trưởng kém. Lá có thể trở nên khập khiễng, cong hoặc rụng. Thân cây cũng trở nên khập khiễng và cúi xuống.
Nếu việc thiếu đồng kéo dài sẽ khiến cho cây khi ra trái sẽ xuất hiện các vết hoại tử.
* Thiếu chất mangan (Mn):
Dấu hiệu nhận biết cây thiếu mangan là ở phần thịt lá, bìa lá sẽ chuyển sang màu vàng nhưng các gân lá vẫn giữ thành màu xanh đậm.
* Thiếu chất kẽm (Zn):
Cây thiếu kẽm biểu hiện ở phần lá non, cụ thể phần bìa và gân vẫn có màu xanh trong khi phần phiến lá ở giữa các gân bị chuyển màu vàng. Ngoài dấu hiệu ở lá, cây còn có biểu hiện ít phân cành, rẽ nhánh và cành không phát triển, cho ra ít quả và chất lượng cây trái kém.
* Thiếu chất sắt (Fe):
Dấu hiệu ở cây thiếu sắt là phần lá sẽ chuyển sang màu xanh nhạt, phân gân lá vẫn còn màu xanh đậm, trong khi phần thịt giữa các gân bị úa vàng. Nếu thiếu sắt nghiêm trọng, toàn bộ phần lá sẽ chuyển sang màu vàng hoặc trắng.
* Thiếu chất clo (Cl):
Cây thiếu Clo biểu hiện ở phần đỉnh ở lá cây héo dẫn, chuyển sang màu vàng, nâu đồng và chết.
* Thiếu chất bo (B):
- Lá non bị biến dạng, mỏng và có màu nhạt
- Bề mặt lá xuất hiện các đốm vàng trắng
- Thân và cuống lá xuất hiện các vết nứt
- Hóa kém phát triển, bị rụng và chất lượng quả bị suy giảm.
* Thiếu chất Molypden:
Khi cây trồng nhà bạn kém phát triển đồng thời xuất hiện các đốm vàng lớn ở lá cây thì chứng tỏ cây đang thiếu chất Molypden.
II. Sử dụng phân bón để khắc phục tình trạng cây thiếu dinh dưỡng
Tùy vào tình trạng của cây mà chúng ta sẽ có những phương pháp bón phân hiệu quả:
- Khắc phục tình trạng cây thiếu đạm (N): Bổ sung chất hữu cơ cho đất đồng thời kết hợp với việc bón phân đạm và luân canh cây họ đậu.
- Khắc phục tình trạng cây thiếu lân (P): Bón vôi cho đất để điều chỉnh pH, nếu đất quá chua, kết hợp với việc bón phân lân cho cây.
- Khắc phục thiếu Kali (K): Tiến hành bổ sung kali và tận dụng những nguồn tàn dư từ thực vật để vùi lấp lại cho đất.
- Khắc phục tình trạng thiếu Canxi (Ca): Bón vôi trong trường hợp đất chua. Bón CaSO4 (thạch cao) hoặc những nguồn Canxi khác ở những nơi không có vôi.
- Khắc phục thiếu lưu huỳnh (S): Dùng phân có hàm lượng lưu huỳnh cao như SA, supe lân, thạch cao hoặc bón lưu huỳnh nguyên tố.
- Khắc phục thiếu kẽm (Zn): Tiến hành bón kẽm sunfat (ZnSO4) vào đất hoặc phun dung dịch kẽm sunfat 0,1-0,5% qua lá.
- Khắc phục thiếu sắt (Fe): Tiến hành Phun lên lá dung dịch sắt sunfat 2% hoặc dung dịch phức sắt – chelat 0,02-0,05%.
- Khắc phục thiếu đồng (Cu): Bón vào đất phân đồng hoặc bổ sung thêm dung dịch đồng sunfat (CuSO4) bằng cách phun với nồng độ 0,1-0,2%.
- Khắc phục thiếu bo (B): Bón vào đất nguồn phân bón hoặc phun dung dịch borax nồng độ 0,1-0,25%.
- Khắc phục thiếu Molypden (Mo): Tiến hành bón Natrimôlyđat (Na2MoO4) hoặc amôn molipdat (NH4 MoO4) cho đất.
Khi cây có những dấu hiệu thiếu chất dinh dưỡng, chúng ta cần khắc phục ngay bằng cách bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây. Hy vọng bài viết trên sẽ hữu ích cho các bạn.
Viết bình luận
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.