Trồng bơ nên chọn giống bơ nào?
Cây bơ là cây trồng khá quen thuộc với bà con ở Tây Nguyên và các vùng lân cận, những năm gần đây do tình hình dịch bệnh, thị trường bơ có xu hướng chậm lại do xuất khẩu bị đình trệ, tuy nhiên không thể phủ nhận cây bơ là cây có giá trị kinh tế cao, chăm sóc đơn giản, dễ thu hoạch. Nếu áp dụng thêm các biện pháp canh tác hữu cơ, đạt chuẩn VietGAP – GlobalGAP thì tiềm năng rất lớn…
Khâu đầu tiên và quan trọng nhất của việc trồng bơ đó là lựa chọn giống bơ, tùy theo từng khu vực, khả năng thu mua của thương lái, định hướng thị trường tiêu thụ mà bà con nên chọn một trong những giống bơ sau đây.
+ Giống bơ trong nước: Bơ 034 trái dài, bơ TA21, bơ tứ quý, bơ sáp mã dưỡng, bơ thành bích
+ Giống bơ nước ngoài: Bơ booth 7, bơ hass, bơ reed, bơ pinkerton, bơ cuba m3
Những giống bơ này đều là những giống đã có tên tuổi, thời gian canh tác khảo nghiệm tại Việt Nam từ 10-20 năm, thị trường trong và ngoài nước đã quen thuộc và tin dùng.
I. Những giống bơ ở trong nước
1. Giống bơ 034 trái dài
Giống bơ này có xuất xứ từ vùng Bảo Lộc – Lâm Đồng, do hộ ông Nguyễn Văn Dậu phát hiện và nhân giống. Cây mọc sẵn trên mảnh đất do ông Dậu mua lại của một người dân địa phương. Những năm 1990-2000 khi giá bơ bắt đầu tăng cao, người tiêu dùng tập trung vào chất lượng thay vì số lượng. Nhận thấy cây bơ trong vườn của mình có chất lượng thịt quả thơm ngon, sáp dẻo, một năm thu 2-3 vụ, ông Dậu quyết định nhân giống và đặt tên là giống bơ 034 Trái bơ thuộc giống này có hình dáng thon dài đặc trưng (dài 20-35cm), vỏ xanh bóng đẹp mắt, bên trong cơm rất vàng, hạt nhỏ (đôi khi không có hạt). Giống đã được Sở Nông Nghiệp Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận và đạt được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi về trái cây và trái bơ nói riêng.
2. Bơ tứ quý
Bao gồm tập hợp nhiều giống có chung đặc điểm là ra hoa đậu quả quanh năm, ít nhất cũng 3 vụ/năm. Trên cây thường có quả và hoa ra đồng thời. Do đặc tính này nên giá bán thường khá cao, quả thu hoạch thành từng đợt không bị trùng vào vụ chính. Trong những giống bơ tứ quý thì nổi bật nhất là giống bơ của ông Nguyễn Ngọc Đức ở huyện Cư Kuin – Đăk Lăk, ngoài đặc điểm ra quả quanh năm, thì còn có ưu điểm là quả mẫu mã đẹp, kích thước lớn, năng suất ổn định, cơm (thịt quả) có độ sáp dẻo, vàng tươi đẹp mắt. Cây con khi trồng thích nghi rộng, sinh trưởng mạnh ở nhiều vùng khác nhau.
3. Giống bơ TA21
Giống bơ TA21 nằm trong dự án khảo nghiệm và tuyển chọn giống bơ ngon do Viện Khoa Học Kỹ Thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên triển khai từ những năm 2000. Giống được khảo nghiệm trên khu vực Tây Nguyên và các tỉnh thành có thổ nhưỡng khí hậu phù hợp với cây bơ, kết quả cho thấy giống có khả năng sinh trưởng mạnh, chất lượng quả đạt tiêu chuẩn, tỷ lệ thịt quả 70%, cơm vàng tươi, độ sáp dẻo cao, vỏ dày giúp vận chuyển và bảo quản thuận lợi. Hình dáng quả cân đối, mẫu mã đẹp. Hạn chế là năng suất chưa cao, quả không quá to, tên tuổi so với các giống bơ khác chưa được biết đến nhiều.
4. Bơ Thành Bích ( bơ khổng lồ)
Nói về kích thước và trọng lượng, thời điểm hiện tại gần như không có giống bơ nào có thể so sánh được với giống bơ Thành Bích. Quả khi thu hoạch có khi cân nặng lên đến 2kg/quả. Còn trung bình cũng nằm ở mức 0,7 – 1kg/quả. Nhưng không vì vậy mà chất lượng quả giảm sút, phần thịt quả vẫn có độ dẻo và béo cao, màu vàng tươi đẹp mắt, vỏ quả căng bóng, hình dáng quả cân đối (mẫu mã đẹp). Giống bơ này có nguồn gốc từ hộ ông Trương Đức Thành (Đăk Mil, Đăk Nông). Hiện nay đã được nhiều bà con canh tác và nguồn cung cấp giống cũng phổ biến hơn trước rất nhiều.
5. Giống bơ sáp Mã Dưỡng
Do ông Dương Mã Dưỡng ở Phú Riềng – Bình Phước tuyển chọn và nhân giống, giống có thể xa lạ với người dùng trong nước nhưng lại rất nổi tiếng ở khu vực, đặc biệt là Đông Nam Á, nhờ vào khả năng quảng bá, kết nối cung cầu và canh tác theo tiêu chuẩn. Mỗi năm có hàng trăm tấn bơ thuộc giống này được xuất khẩu đi các nước lân cận. Tạo ra thu nhập không nhỏ cho bà con nông dân. Ưu điểm của giống là độ sáp dẻo rất cao, hình dáng cân đối, mẫu mã đẹp, trọng lượng lớn, mỗi năm có thể cho thu hoạch 2 vụ, kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9 dương lịch.
II. Các giống bơ ngoại nhập
1. Giống bơ Booth
Giống bơ Booth có nguồn gốc từ bang Florida – Mỹ, đặt tên theo ông Will Booth người có công lai tạo và phát triển giống. Giống bao gồm nhiều giống nhỏ được đánh số từ 1 đến 8, trong đó ở Việt Nam phổ biến nhất là giống booth 7 và booth 8. Người dân quen gọi ngắn gọn và thuần Việt là Bơ Bút. Ưu điểm nổi trội nhất của giống là khả năng lưu trữ bảo quản được rất lâu sau khi thu hoạch, có khi lên đến 15 ngày. Tất cả là nhờ lớp vỏ dày bên ngoài. Ngoài ra kích thước trái lớn, độ dẻo cao, hình dáng quả tròn cân đối đẹp mắt, dễ vận chuyển, sinh trưởng mạnh thích nghi rộng, cũng là những ưu điểm phải kể đến của giống bơ này.
2. Bơ Hass
Nếu nói đến giống bơ nhiều người biết đến nhất trên thế giới, thì phải nói đến bơ Hass. Theo thống kê từ wikipedia, tại Mỹ 80% diện tích, tại New Zealand 95% diện tích trồng bơ đều trồng giống bơ Hass là chủ yếu. Thị trường thế giới cũng rất ưa chuộng giống bơ này. Ở Việt Nam đơn vị đầu tiên trồng thử nghiệm bơ Hass là Viện Cây Ăn Trái Miền Nam và Viện Khoa Học Kỹ Thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên. Về sau có thêm nhiều đơn vị và cá nhân khác nhập nguồn giống về từ Úc, New Zealand, Thái Lan… Đặc điểm chính của giống bơ Hass là quả thường nhỏ, trọng lượng 200-300g, da sần sùi, khi chín có màu nâu tím, cơm phía trong có độ béo cao, màu hơi nhạt, thoang thoảng hương vani – hạt dẻ…
3. Giống bơ Pinkerton
Thêm một đại diện khác đến từ Mỹ, đó là giống bơ Pinkerton đặt theo tên của anh em nhà Pinkerton là John và Wesley Pinkerton. Ở Việt Nam bơ pinkerton thường được gọi ngắn gọn là bơ pin, mới xuất hiện cách đây khoảng 10 năm, nhưng cho thấy nhiều ưu điểm nổi bật như: thích nghi tốt, sinh trưởng mạnh, hương vị thơm ngon, quả sai, mẫu mã bắt mắt. Thu hoạch vụ muộn nên có giá trị cao do có lợi thế về giá.
4. Bơ Reed
Nếu bơ booth có quả to, mẫu mã đẹp, bơ hass có hương vị thơm ngon, thì bơ reed được xem như sự kết hợp của cả 2 giống kể trên, giống này cũng có xuất xứ từ Mỹ, đặt tên theo James S. Reed người đàn ông tìm ra giống. Khu vực ban đầu là bang Florida về sau dần phát triển ra toàn thế giới, ở Việt Nam giống bơ reed được trồng cách đây khoảng 20 năm, năng suất và sự thích nghi đã được khẳng định, quả thường có dáng tròn giống bơ Booth lá thuôn dài giống bơ Hass thu hoạch vào khoảng tháng 9 DL (vụ muộn), năng suất cao và ổn định.
5. Giống bơ cuba M3
Năm 2018 tại hội thi trái bơ ngon trong khuôn khổ chương trình triển lãm kết nối cung cầu: “Đăk Nông – Mùa bơ chín” giống bơ cuba đã vượt qua nhiều giống bơ khác để đạt danh hiệu giống bơ ngon nhất. Từ đây cũng nhiều nông dân và người tiêu dùng dần biết đến thương hiệu bơ Cuba. Đặc biệt nếu được canh tác với thổ nhưỡng và khí hậu Tây Nguyên chất lượng thịt quả sẽ đặc biệt nổi trội hơn các khu vực khác, về xuất xứ có nguồn thông tin cho rằng giống bơ do một doanh nghiệp Pháp mang đến Việt Nam từ những năm 2010, nhưng số khác cho rằng người mang giống bơ về Việt Nam là ông Trịnh Xuân Mười, tuy nhiên dù nguồn gốc từ đâu thì giống bơ cũng khẳng định được vị thế riêng của mình nhờ vào ngoại hình và độ thơm ngon, rất có tiềm năng để tiêu thụ cả trong và ngoài nước.
Trên đây là những loại bơ có giá trị kinh tế cao, tiềm năng tiêu thụ rộng, đều là những giống đã cho thu hoạch nhiều vụ, khẳng định được sự thích nghi về khí hậu và thổ nhưỡng Việt Nam.
Viết bình luận
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.