Vào mùa mưa, rau thường lên giá do các vựa rau khó trồng, thu hoạch và bảo quản. Bên cạnh đó, các loại rau mùa mưa cũng không quá đa dạng và phong phú. Hãy để Gold Tomato mách bạn những loại rau dễ trồng vào mùa mưa nhé!
I. Các loại rau nên trồng vào mùa mưa
1. Rau ngót
- Nếu bạn hỏi mùa mưa nên trồng rau gì thì sự lựa chọn tốt nhất sẽ là cây rau ngót. Đây là loại cây quen thuộc của Việt Nam, có thể sinh trưởng tốt trong cả mùa nắng và mùa mưa. Rau ngót có tính mát, chứa nhiều vitamin và chất sắt, thường được dùng để nấu canh, ép lấy nước uống để chữa bệnh… Ngoài ra, loại rau này còn được dùng làm vị thuốc chữa bệnh đơn giản, giúp bảo vệ cơ thể, thanh nhiệt, bổ huyết, lợi tiểu …
- Rau ngót có khả năng thích nghi cao với nhiều loại môi trường và thời tiết nên bạn có thể trồng vào bất kỳ mùa nào trong năm. Nếu có đất vườn, bạn chỉ cần xới đất lên và cắm thân cây rau già xuống. Và nếu không có quá nhiều diện tích, bạn hãy thực hiện cách trồng rau sạch tại nhà với việc mua một vài thùng xốp, thêm đất, mùn, phân bón.
2. Rau muống
- Rau muống là loại rau ưa nước điển hình, thậm chí có thể trồng trong cả môi trường thủy canh. Vì vậy mà mùa mưa chính là thời gian tốt nhất để cho rau muống sinh trưởng và phát triển. Rau muống có đặc điểm sinh học khá đặc trưng, cây có dạng thân thảo, thường mọc bò trên mặt nước hoặc trên cạn. Thân rỗng, dày, có nhiều đốt, có rễ ở các đốt, mặt ngoài nhẵn. Chính nhờ đặc điểm sinh học này mà rau muống có thể sinh trưởng tốt trong điều kiện ngập úng.
- Cách trồng rau muống cũng rất đơn giản, ngoài việc trồng bằng hạt, bạn có thể lấy một đoạn rau muống già cắm xuống đất. Chỉ một thời gian sau, bộ rễ của chúng sẽ phát triển và ngọn cây sẽ mọc ra. Bạn có thể trông trong sân vườn, trong thùng xốp hoặc trong giàn thủy canh đều được.
- Rau muống cạn có thể thu hoạch một lần hoặc cắt ngọn thu hoạch nhiều lần. Nên cắt sát gốc chỉ để 2 – 3 đốt sẽ nảy chồi tốt hơn. Rau muống nước thì hái ngọn nhiều lần, một năm trồng lại 1 – 2 vụ.
3. Rau răm
Rau răm là cây thân thảo sống được nhiều năm, phạm vi nhiệt độ thích hợp rộng, có thể trồng được quanh năm. Thân bò dài, có nhiều đốt, trên mỗi đốt sinh nhiều rễ phụ và đâm nhiều nhánh. Rau răm có thể sống trên cạn và dưới nước, nhưng mực nước không được ngập ngọn cây lâu ngày. Rau răm nên trồng những chỗ đất thấp hơn các loại rau khác, có thể trồng trên ruộng có mực nước nông.
4. Rau húng quế
Rau húng quế là loại rau gia vị dễ trồng và phát triển rất nhanh, đặc biệt vào mùa mưa. Để trồng rau húng quế, bạn cắt lấy một đoạn khoảng 7 - 9 cm tính từ ngọn trở xuống để lấy phần lá non mới nhú ở đầu. Giâm húng quế bằng cách ngắt bỏ các lá phía dưới thấp hơn, chỉ để lại 2 lá mầm ở đầu ngọn. Đặt cành húng quế vào một bát nước sạch, để ở bậu cửa sổ. Sau 7 ngày, rễ non bắt đầu nhú ra từ gốc cành. Sau 2 tuần, rễ tiếp tục phát triển và đem trồng ra đất. Húng quế phát triển rất nhanh, nếu bạn cắt ngọn trên để ăn, vài ngày sau từ đó sẽ mọc ra nhiều nhánh khác
5. Rau cải
Rau cải cũng là một cái tên trong danh sách trồng rau gì vào mùa mưa mà bạn có thể tham khảo. Họ nhà cải rất tốt cho mắt, cung cấp canxi và vitamin K cho xương, có hàm lượng vitamin C cao. Đây cũng là loại rau ăn lá có khả năng thích nghi cao với môi trường. Bạn có thể chọn trồng cải xanh, cải ngồng hoặc rau cải bó xôi nếu có con trong độ tuổi ăn dặm
Trồng rau cải trong thùng xốp lớn, khi thu hoạch bạn chỉ cần cắt tỉa những lá lớn trước, chừa lại phần thân và lá nhỏ cho cây tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, một điểm yếu của rau là dễ bị dập nên khi trồng trong thời tiết mưa, gió lớn hoặc thỉnh thoảng có bão, bạn cần có biện pháp bảo vệ cẩn thận. Một gợi ý cho bạn là nên mua lưới trồng cây để che giúp cây không bị hư hại.
6. Rau diếp cá
Diếp cá là loại cây thân thảo, có xu hướng bò ngang, đốt thân có rễ phụ, khá năng sinh sản vô tính rất mạnh. Cây ưa nhiệt độ cao, thích hợp với nhiệt độ khoảng 25-35 độ C. Rau diếp cá thích nơi ẩm ướt, có thể chịu úng trong 5 – 7 ngày.
7. Rau nhút
Rau nhút thuộc thân thảo có hoa màu vàng. Lá rau nhút thuộc loại lá kép hình lông chim, mọc nổi trên mặt nước ao, hồ,...nhờ quanh thân có phao trắng. Rau nhút thường được dùng để ăn lẩu và chế biến thành nhiều món khác nhau. Loại rau này rất dễ trồng, dễ chăm sóc, có thể trồng quanh năm và không đòi hỏi vốn nhiều nên được nhiều người lựa chọn trồng để tạo thu nhập kinh tế cho gia đình. Rau nhút trồng mùa mưa ít bị rủi ro về giá cả nhưng muốn năng suất cao người trồng phải nắm vững quy trình kỹ thuật, nhất là khâu cắm cọc giữ cho rau không trôi giạt và xử lý phân thuốc sao cho an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Rau nhút phân bố ở các nước có khí hậu nhiệt đới. Điều kiện để rau nhút sinh trưởng và phát triển mạnh là dưới đáy mương phải có sình lầy, nhưng nước trong mương phải sạch.
II. Một số lưu ý khi trồng rau vào mùa mưa
1. Giống cây
Mùa mưa trời thường nhiều mây, thiếu ánh sáng nên khả năng quang hợp của cây cũng kém hơn mùa khô. Vì vậy, bạn nên chọn các loại rau ăn có lá nhỏ, tán lá gọn, thời gian sinh trưởng ngắn, cho thu hoạch sớm. Tốt nhất, hãy chọn những loại rau giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng từ những cơ sở sản xuất hạt giống có uy tín trên thị trường. Vào những ngày bình thường, tỷ lệ nảy mầm thấp và không đồng đều. Vào mùa mưa, tỷ lệ nảy mầm thấp hơn. Vì vậy, bạn cần xử lý hạt trước khi gieo để tăng tỷ lệ nảy mầm và độ đồng đều của cây con.
2. Đất trồng
Sau những trận mưa lớn kéo dài, nước không thoát được dẫn đến tình trạng ứ đọng nước. Vì vậy, đất trồng rau trong mùa mưa cần đảm bảo các yếu tố: thoát nước tốt, giàu mùn, thông thoáng và đủ dinh dưỡng.
3. Che phủ cho đất trồng và làm giàn
Sau những trận mưa, đất thường bị xói mòn. Bạn có thể khắc phục tình trạng này bằng cách phủ đất bằng các vật liệu sẵn có, dễ kiếm như: cỏ khô, rơm rạ,....Việc phủ đất còn giúp giữ ẩm, tiết kiệm phân bón, thuốc trừ sâu và kiểm soát cỏ dại. Ngoài ra, sau cơn mưa, đất vương vãi khắp nơi, việc phủ đất trồng lên cũng làm tăng vẻ đẹp cho vườn rau của bạn. Vào mùa mưa, mưa lớn và gió lốc thường xuyên xảy ra làm dập lá, rụng rau. Vì vậy, bạn phải làm giàn chắc chắn hơn so với mùa nắng. Bên cạnh đó, giàn còn giúp rau quang hợp, phát triển tốt hơn, giúp tăng năng suất khi thu hoạch.
4. Bón phân
- Khi trồng rau vào mùa mưa, chúng ta thường lo sợ việc bón thêm phân sẽ gây thất thoát, lãng phí. Nhưng điều đó chỉ xảy ra nếu chúng ta không sử dụng đúng loại và đúng cách. Bón phân lúc mưa nhiều cần che chắn bằng các vật liệu che phủ như: rơm rạ, trấu, bạt,....Trong mùa mưa, nên hạn chế bón thêm các loại phân có hàm lượng đạm cao. Rau thừa đạm sẽ dễ đổ ngã và là môi trường lý tưởng cho sâu bệnh tấn công. Phân hữu cơ tự nhiên sẽ là lựa chọn an toàn và thích hợp nhất lúc này.
5. Phòng trừ sâu, bệnh
- Mùa mưa cũng là mùa sinh sản và phát triển của nhiều loại sâu bệnh có hại cho cây trồng. Đối với các loại rau dễ bị thối mềm, đốm lá, sương mai,…bạn có thể sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh có hại. Sử dụng phương pháp sinh học là sự lựa chọn an toàn cho người trồng và vườn rau.
6. Chăm sóc rau
- Mùa mưa đến cũng là lúc cỏ dại sinh sôi và phát triển. Cỏ dại còn là vật chủ trung gian truyền sâu bệnh cho rau. Bạn nên thường xuyên thăm vườn, làm cỏ và cắt tỉa những lá thấp chạm đất, sâu bệnh để vườn rau phát triển xanh tốt.
7. Xen canh
- Trồng xen canh là lựa chọn thông minh khi trồng rau vào mùa mưa. Việc trồng xen kẽ các loại rau giúp hạn chế lây lan và phòng trừ sâu bệnh. Bên cạnh đó, việc trồng xen canh còn giúp vườn rau của bạn tăng thêm đa dạng và có tính thẩm mỹ.
Viết bình luận
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.