Đất trồng bị chua là hiện tượng khá phổ biến trong nông nghiệp, dẫn đến sự thay đổi độ pH của cây. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến cây trồng chậm phát triển, cho năng suất và chất lượng thấp, ảnh hưởng đến mùa vụ của bà con nhà nông. Vậy làm thế nào để cải tạo đất chua? Nguyên nhân và tác hại của đất chua gây ra với cây trồng là gì? Hãy tìm hiểu cùng Gold Tomato nhé!
1. Hiện tượng đất trồng bị chua
Đất trồng bị chua là hiện tượng đất bị thay đổi tính chất hóa học do quá trình canh tác trong nông nghiệp hoặc ảnh hưởng bởi tính chất vùng đặc thù. Đất chua chứa nhiều axit và có độ pH từ 6.5 trở xuống. Chỉ số pH cho biết nồng độ ion H+ trong môi trường đó như thế nào. Qua đó có thể dễ dàng nắm bắt được tình hình đất trồng và đưa ra biện pháp xử lý phù hợp. Bởi cây trồng trên vùng đất chua sẽ không hấp thụ được các nguyên tố N, P, K và S, dẫn đến còi cọc và khiến năng suất cũng như chất lượng giảm đáng kể.
2. Cách nhận biết đất trồng bị chua
Một trong những cách hiệu quả nhất giúp nhận diện được đất chua đó là tiến hành đo độ pH của đất để theo dõi tình hình canh tác trong suốt vụ mùa. Mỗi loại cây trồng khác nhau sẽ có khả năng thích ứng với độ pH của đất riêng, tuy nhiên độ pH từ dao động từ 6,1 – 7 là môi trường lý tưởng để cây phát triển. Nếu độ pH thấp hơn khoảng này thì tức là đất trồng đã bị chua.
3. Nguyên nhân khiến đất trồng bị chua
- Khi trời mưa hoặc do tưới nước quá nhiều, các chất dinh dưỡng quan trọng như canxi (Ca), Magie (Mg), Kali (K),… bị rửa trôi khiến cho đất mất chất kiềm, từ đó nồng độ pH giảm và đất sẽ bị chua.
- Do bà con quá lạm dụng các loại phân vô cơ, phân hóa học cũng như các chế phẩm thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ,… trong thời gian dài khiến cho độ pH trong đất giảm đi nhanh chóng.
- Xuất phát từ thói quen bón phân chuồng chưa qua xử lý hoặc chưa hoai mục hoàn toàn. Đây cũng là nguyên do khiến cho đất trồng bị chua.
- Do sử dụng các loại phân khoáng mang gốc axit như Sunfat amon (SA), Sunfat kali (K2SO4), Clorua kali (KCl),… Khi cây trồng hút các cation (Ca2+,K+, Mg+), chúng sẽ trả lại H+ vào đất để cân bằng điện tích. Lúc này, H+ kết hợp với các gốc muối Sunphat, Clorua và tạo ra các axit H2SO4, HCl gây chua đất.
- Do quá trình phân giải các chất hữu cơ tự nhiên sinh ra các axit, làm hòa tan các chất có tính kiềm trong môi trường đất.
4. Tác hại của đất trồng bị chua
- Đối với cây trồng
+ Đất bị chua sẽ làm ức chế hoạt động sinh trưởng và phát triển của cây. Cây trồng khó hấp thụ được các chất khoáng đa lượng, trung lượng và vi lượng cần thiết. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng ở cây và lâu dần sẽ làm giảm năng suất của cây trồng.
+ Bên cạnh đó, khi đất bị chua, nồng độ độc tố Al tự do trong môi trường tăng cao, dễ gây độc cho cây. Đối với các loại cây không ưa đất chua thì tình trạng này sẽ làm chậm quá trình đơm hoa, kết quả, cây phát triển còi cọc và có thể bị chết.
- Đối với vi sinh vật trong đất
Các nhóm vi sinh vật có lợi trong đất hầu như không thể sinh trưởng trong môi trường có nồng độ pH thấp. Việc giảm sút số lượng vi sinh vật trong đất một cách nhanh chóng sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về sau. Các hợp chất khó hòa tan được vi sinh vật phân giải giờ đây bị tích tụ lại trong đất. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng của cây trồng cũng như môi trường xung quanh.
5. Những biện pháp cải tạo đất phèn chua
- Bón vôi cho đất
Để trung hòa độ chua của đất, người ta thường bón những chất có tính chất kiềm như vôi nông nghiệp. Đây được xem là biện pháp cải tạo đất chua phổ biến nhất của bà con nhà nông. Một số loại vôi chính thường dùng để bón cải tạo đất như: bột đá vôi (CaCO3), vôi tôi (Ca(OH)2), vôi nung (CaO) hay dolomite lime (CaMg(CO3)2),…
Tùy vào độ chua của đất để quyết định nên bón loại vôi nào. Đồng thời, trước khi bón vôi, bà con nên kiểm tra độ pH của đất trồng để xác định lượng vôi cần bón phù hợp nhất. Nên sử dụng loại vôi dolomite, vừa cung cấp các nguyên tố kiềm Ca, Mg cho đất, vừa là nguồn khoáng dinh dưỡng cần thiết cho cây. Ngoài công dụng cải tạo đất chua thì bón vôi còn giúp giảm thiểu độc tố ở cây trồng.
- Bổ sung phân hữu cơ cho đất
Với các loại đất chua, bà con cần tăng cường bổ sung các loại phân hữu cơ như phân chuồng, phân xanh. Hữu cơ là nguồn thức ăn chính của các vi sinh vật trong đất. Vì vậy, khi tăng lượng hữu cơ sẽ góp phần tăng cường hoạt động của hệ vi sinh vật đất, giúp đất tơi xốp hơn và độ chua trong đất cũng giảm đi đáng kể. Hơn nữa, phân hữu cơ còn là một giải pháp thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, bà con có thể bổ sung thêm than bùn hoặc các giá thể có lợi cho cây trồng.
- Hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật
Để góp phần bảo vệ môi trường cũng như tăng cường khả năng phát triển tự nhiên của cây trồng, bà con nên chủ động thay đổi thói quen canh tác theo hướng hữu cơ, giảm bớt các loại phân bón vô cơ.
Bên cạnh đó, bà con cũng tránh lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật bởi nó sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho đất trồng sau này. Thuốc bảo vệ thực vật lâu ngày không kịp phân hủy sẽ làm cho đất bị chua. Do đó, bà con nên bà con nên thay thế bằng cách sử dụng các loại chế phẩm sinh học, chủng vi sinh vật đối kháng, các thiên địch giúp bảo vệ mùa màng,…
Tóm lại, độ chua của đất trồng có thể cải thiện được nếu bà con thường xuyên kiểm tra đất và phát hiện kịp thời. Tuy nhiên, các biện pháp cải tạo đất chua cần phải áp dụng đúng thời điểm và đúng nguyên tắc để đảm bảo hiệu quả lâu dài. Hy vọng những chia sẻ trên đây của Gold Tomato sẽ giúp ích cho bà con trong việc chăm sóc và cải tạo đất chua.
Viết bình luận
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.