Trước vấn nạn thực phẩm bẩn đang tràn lan trên thị trường thì nhu cầu sử dụng rau sạch đảm bảo vệ sinh ngày càng tăng cao. Với mong muốn có thể tự cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho cả gia đình, phương pháp trồng rau sạch đang ngày càng được người tiêu dùng quan tâm và thực hiện phổ biến. Tuy nhiên để gia tăng năng suất và chất lượng cho rau sạch thì phải có những hiểu biết về kỹ thuật tưới nước, làm đất,.. và một yếu tố không thể thiếu đó là kỹ thuật bón phân. Vậy những loại phân bón nào có thể giúp trồng rau sạch tại nhà, bón phân như thế nào là đúng cách.Hãy cùng Gold Tomato tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
I. Các loại phân bón thường dùng khi trồng rau sạch
Trong mô hình canh tác trồng rau sạch có thể sử dụng được rất nhiều loại phân bón. Bạn có thể tham khảo một số loại phân bón sau đây:
1. Phân hữu cơ
Phân hữu cơ được coi là thần dược cho các loại rau quả bởi chúng chứa nhiều thành phần dinh dưỡng rất cần thiết đối với sự phát triển của rau. Phân hữu cơ bao gồm nhiều loại phân như phân xanh, phân chuồng, phân than bùn, phụ phế phẩm nông nghiệp, phân vi sinh….Tuy nhiên đối với mô hình trồng rau sạch tại nhà thì nên ưu tiên các loại phân như: phân xanh, phân trùn quế…
– Phân xanh: Là loại phân được chế biến từ rác thải hữu cơ như thực phẩm thừa, vỏ trái cây, vỏ trứng, bã cà phê, lá cây…đã ủ hoặc bón trực tiếp cho cây.
– Phân trùn quế: Là phân của con trùn quế, loại trùn chuyên ăn phân bò sữa. Trải qua quá trình phân giải của các vi sinh vật trong ruột trùn thì phân bò sữa sẽ được chuyển hóa tạo ra sản phẩm cuối cùng là phân trùn quế. Là loại phân bón hữu cơ giàu dinh dưỡng cho cây trồng.
- Lợi ích của phân bón hữu cơ trong việc trồng rau sạch:
+ Cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình phát triển cây rau.
+ Cải tạo đất: Nâng cao độ phì, làm tăng độ tơi xốp.
+ Hạn chế xói mòn đất và rửa trôi các chất dinh dưỡng.
+ Giúp kích thích các vi sinh vật có lợi phát triển.
+ Giúp cho hương vị rau sẽ đậm đà và tự nhiên hơn.
- Cách bón phân hữu cơ khi trồng rau sạch:
Áp dụng với mô hình trồng rau sạch, khi bón phân hữu cơ chúng ta cần trộn chung với tro trấu, xơ dừa với một tỉ lệ thích hợp để bón lót cho cây trồng. Thời điểm sử dụng phân hữu cơ là sau mỗi đợt thu hoạch để cải tạo chất lượng của đất trồng.
- Dùng phân hữu cơ bón cho những loại cây rau sạch nào?
Phân hữu cơ thích hợp dùng cho các loại rau ăn lá như rau húng các loại, rau xà lách, rau thơm, rau răm,… Bởi những loại rau ăn đá cần hàm lượng đạm lớn, còn những vi lượng như Mn, Mg, K, Zn, S,.. cần ít.
- Những hạn chế khi dùng phân hữu cơ bón cho rau sạch
Sử dụng phân bón hữu cơ khi trồng rau sạch có làm hương vị đậm đà hơn, ngon hơn nhưng đổi lại cây rau không đẹp mắt. Nếu cây rau nhà bạn nhìn có vẻ xanh nhợt nhạt 1 chút, lá nhỏ một chút thì cũng đừng lo ngại nhiều nhé.
2. Phân vô cơ
Phân vô cơ là loại phân chứa nhiều yếu tố dinh dưỡng dưới dạng muối khoáng mà được tạo ra nhờ quá trình vật lý, hóa học. Các loại phân vô cơ phổ biến trên thị trường hiện nay như NPK, supe Lân, DAP, Urê…
Lợi ích của phân bón vô cơ trong việc trồng rau sạch:
Các loại phân vô cơ có đặc tính là dễ tan, tác dụng nhanh hơn các loại phân hữu cơ nên được dùng sớm để phát huy hiệu lực giúp đảm bảo cân đối dinh dưỡng, tăng năng suất của cây trồng. Khi sử dụng phân bón vô cơ, cần kết hợp đạm với phân lân và kali, để cây rau được phát triển toàn diện.
+ Đạm: Sử dụng cho giai đoạn từ khi cây non đến khi ra hoa. Bổ sung đạm giúp lá và thân cây phát triển mạnh
+ Lân: cần cho giai đoạn cây ra hoa, đậu quả…
+ Kali: giúp chống rụng quả
- Dùng phân bón vô cơ cho những loại rau nào?
Phân bón vô cơ được dùng cho tất cả các loại rau ăn lá đến lấy củ hay quả như: bầu, bí, đậu, mướp, khoai tây, khoai lang, cà chua,…
- Cách bón phân vô cơ cho cây rau hiệu quả?
Bón phân vô cơ cho rau nên vào thời điểm rau còn nhỏ hoặc lúc đang lớn cho ra thân lá nhỏ (khoảng 4-5 cặp lá thật). Chia thành 3 đợt bón như sau:
+ Giai đoạn đầu tiên: Bón phân lân, tỉ lệ 2 muỗng (cà phê nhỏ) pha 10 lít nước.
+ 3 ngày sau: Bón phân urê, tỉ lệ 1 muỗng (cà phê) trong 10 lít nước.
+ Tuần sau: bón thêm NPK 16.16.8, tỉ lệ 1 muỗng (cà phê) rải xung quanh gốc rau, sau đó phủ ít đất lên trên..
Lưu ý: Nên bón vào chiều mát hoặc sáng sớm, trời không mưa để tránh rửa trôi. Sau đó tưới đẫm rửa lại lá vào sáng hôm sau để rau không bị cháy lá do ánh nắng mặt trời.
- Những hạn chế khi dùng phân vô cơ khi trồng rau sạch
Phân bón vô cơ có tác dụng nhanh hơn các loại phân bón hữu cơ. Tuy nhiên, việc sử dụng quá nhiều phân bón vô cơ cho rau sạch sẽ ảnh hưởng không tốt đến đất trồng. Lâu dần đất sẽ bị trai cứng, mài mòn, giảm độ màu mỡ. Ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng rau.
II. Cách bón phân khi trồng rau sạch đạt hiệu quả
Tùy vào từng loại phân, tùy vào cây trồng, bề mặt đất, thiết bị bón phân,.. mà sẽ sử dụng những phương pháp bón phân khác nhau. Có 3 phương pháp bón phân cho rau sạch hiệu quả:
1. Bón bề mặt đất trồng rau sạch
Đây là phương pháp được sử dụng khá phổ biến và đặc biệt có hiệu quả cao với phân đạm. Bạn chỉ cần rắc đều lên bề mặt đất trồng rau. Đối với phân bón hữu cơ thì nên bón ở dưới lòng đất, sau đó lấp lên trên 1 lớp đất mỏng hoặc trộn đều lên trên bề mặt đất.
2. Bón cho đất
Phương pháp bón phân này áp dụng với một số loại phân bón ở dạng hòa tan như phốt pho, kali. Phương pháp này bạn sẽ đào từng lỗ nhỏ hoặc đào rãnh xung quanh cây trồng sau đó bỏ phân vào và dùng nước tưới đẫm để phân ngấm vào đất, hấp thụ chất dinh dưỡng nhanh chóng
3. Phun lá
Áp dụng với một số loại phân bón giàu hàm lượng sắt, kẽm hoặc các nguồn chất đạm ít quan trọng đối với rau.
III. Những lưu ý quan trọng khi bón phân cho trồng rau sạch
1. Đối với phân bón hữu cơ:
- Nếu dùng phân chuồng: phải ủ thật hoai và xử lý diệt vi khuẩn theo hướng dẫn.
- Không dùng nước thải sinh hoạt chưa xử lý để tưới cho giàn rau sạch vì sẽ gây bệnh cho cây trồng.
- Không nên dùng phân hữu cơ được ủ chế biến từ rác thải thành phố, vì trong loại rác thải này có chứa rất nhiều kim loại nặng, gây hại cho cây trồng, cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
2. Đối với phân bón vô cơ:
- Nên theo dõi và quan sát kỹ sự phát triển cũng như đặc điểm của các loại rau trồng để tưới phân đạm.
- Lưu ý nên pha loãng và tưới vào gốc, tránh tưới trên lá.
- Trước lúc thu hoạch 15 – 20 ngày nên ngưng tưới phân đạm để lượng nitrat trong rau không quá cao, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng
Để việc trồng rau sạch tại nhà trở nên an toàn và hiệu quả, bạn nên sử dụng các loại phân trên đồng thời tuân thủ đúng thời gian cách ly trước khi thu hoạch, tránh để lại tồn dư của chất vô cơ.
Viết bình luận
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.