1. Nguồn gốc và giá trị kinh tế
Cây sầu riêng có nguồn gốc ở vùng Đông Nam Á, ở Malaysia và Indonesia.
* Các nước trồng được sầu riêng
Cây sầu riêng được trồng nhiều ở Thái Lan, Malaysia, Inđônêsia, Việt Nam, Mianma, Philippin, Campuchia, Lào, ngoài ra còn trồng ở Ấn Độ, Srilanca, Brunây.
* Giá trị dinh dưỡng và kinh tế của cây sầu riêng
- Giá trị dinh dưỡng
Sầu riêng là một loại quả rất bổ, các giá trị về calo, đường, đạm, chất béo, chất khoáng đều rất cao so với các loại quả khác.
Hạt/hột sầu riêng chứa 3,1% protit, 0,4% lipit, các chất P, Na, K, Ca, Mg, Fe, vitamin B1, B2, C... do đó cũng được sử dụng làm thức ăn và làm thuốc bổ dưỡng. Bột hạt sầu riêng được dùng làm chất phụ gia trong chế biến kẹo, mứt…
- Giá trị sử dụng
+ Sầu riêng thường dùng để ăn tươi, sau khi tách vỏ, cơm sầu riêng được dùng để ăn trực tiếp hoặc chế biến thành các sản phẩm như bánh, kẹo, kem, nước ngọt,...
+ Rễ và lá làm thuốc hạ sốt, trị vàng da do gan: Theo kinh nghiệm dân gian lấy 10 - 20g rễ và lá sầu riêng thái nhỏ, phơi khô, sắc với 200ml nước còn 50ml uống hàng ngày, đồng thời lấy lá tươi nấu nước tắm cho người bị vàng da do gan.
+ Vỏ thân cây sầu riêng dùng nấu nước tắm chữa bệnh ngoài da và diệt chấy, rận, rệp...
+ Vỏ quả sầu riêng còn được dùng làm thuốc bổ khí, chữa đầy bụng, khó tiêu, ho do hàn, cảm sốt. Sau khi ăn người ta lấy vỏ rửa sạch, dùng 15 - 20g thái nhỏ nấu nước uống/ngày hoặc thái lát mỏng, phơi khô để dùng dần.
- Giá trị kinh tế của sầu riêng
Ở nước ta, sầu riêng là một trong những loại quả có giá trị cao hơn hẳn so với nhiều loại quả khác. Với năng suất bình quân của giống sầu riêng hạt lép từ 7 năm tuổi trở lên có khoảng 15 tấn quả/ha, với giá bán 30.000-35.000 đồng/kg, sẽ cho thu nhập từ 280.000.000 đến 350.000.000 đồng/ha. Nếu điều khiển được sầu riêng nghịch vụ thì giá trị này còn cao hơn nữa.
2. Tình hình sản xuất sầu riêng trong và ngoài nước
- Tình hình sản xuất
+ Trên thế giới, sầu riêng được trồng ở Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Brunei, Philippine, Việt Nam, Ấn Độ, Srilanka, Căm Pu Chia, Bắc Australia … Thái Lan là nước chiếm khoảng 58% toàn bộ sản lượng sầu riêng trên thế giới.
+ Ở Mã Lai (Malaysia), sầu riêng được trồng ở tất cả các bang. Giống lai được trồng phổ biến nhất là D24 chiếm đến 70% diện tích trồng sầu riêng của Mã Lai.
+ Ở Indonesia, các giống sầu riêng được trồng chủ yếu là Sunan, Monthong, Sukun, Sitokong, Simas, Petrack, Chanee.
+ Ở Philippines, giống trồng chủ yếu là Chanee và Monthong.
+ Ở Brunei diện tích sản xuất không lớn chỉ vài trăm ha.
- Thị trường sầu riêng thế giới
+ Trên thế giới có 3 nước xuất khẩu sầu riêng chủ yếu là Thái lan, Malaysia và Indonesia. Trong đó Thái lan là nước sản xuất và xuất khẩu sầu riêng lớn nhất, kế đến là Malaysia rồi mới đến Indonesia.
+ Singapore, Hồng Kông và Đài Loan là ba nước nhập khẩu sầu riêng chính trên thế giới. Singapore là thị trường nhập khẩu sầu riêng lớn nhất, sau đó mới đến Hồng Kông. Đài Loan chỉ là thị trường nhập khẩu sầu riêng lớn ở châu Á.
+ Mỹ là thị trường nhập khẩu sầu riêng lớn ở khu vực Bắc Mỹ.
+ Canada và thị trường châu Âu nhập khẩu sầu riêng không lớn, chủ yếu phục vụ người tiêu dùng có nguồn gốc Đông Nam Á.
+ Pháp là thị trường nhập khẩu sầu riêng tươi và sầu riêng đông lạnh lớn nhất trong các nước thuộc thị trường châu Âu.
- Tình hình sản xuất sầu riêng ở Việt Nam
Sầu riêng được trồng chủ yếu ở Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu long, nhiều nhất là các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Lâm Đồng. Một số nơi khác như Quảng Nam, Huế, Khánh Hòa cũng đã trồng được sầu riêng có quả to (hình 3.1.7), ngọt nhưng ít mùi thơm hơn. Diện tích trồng sầu riêng vẫn đang tiếp tục mở rộng. Đến nay, cả nước có khoảng 15.000ha.
+ Nguồn cung cấp sầu riêng từ sản xuất trong nước: Nguồn sầu riêng sản xuất trong nước cung cấp cho thị trường Nam Bộ chủ yếu từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, TP.HCM.
+ Nguồn cung cấp sầu riêng từ nước ngoài: Ngoài sản lượng sầu riêng sản xuất trong nước, hàng năm nước ta vẫn nhập một lượng khá lớn sầu riêng từ Thái Lan. Sản lượng sầu riêng nhập khẩu vào Việt Nam tiêu thụ hầu hết ở thị trường Nam Bộ và chủ yếu ở TP. HCM.
+ Chất lượng sầu riêng cung cấp cho thị trường Nam Bộ: Trên thị trường có nhiều giống, các giống sầu riêng có sản lượng khá lớn là: Khổ qua xanh, monthong, hạt lép Đồng Nai… Một số giống chất lượng cao như sầu riêng monthong, sầu riêng cơm vàng sữa hạt lép Chín Hóa, sầu riêng cơm vàng hạt lép Đồng Nai … đã và đang được người tiêu dùng ưa chuộng.
3. Sự phát triển của cây sầu riêng
- Hàng năm cây có nhiều đợt sinh trưởng cành lá. Hoạt động của bộ rễ gẫn như đồng thời với sinh trưởng của cành lá, nhưng thời gian hoạt động dài hơn, do đó kết thúc muộn hơn.
- Thời gian nở hoa, đậu quả và mang quả hàng năm chiếm thời gian khá dài (từ tháng 12 năm trước đến tháng 7 năm sau). Thờì gian này hầu như không có các đợt cành mới, chính vậy rễ cũng ít hoạt động hơn.
- Hiểu được đầy đủ quy luật hoạt động của các bộ phận của cây trong chu kỳ hàng năm sẽ giúp nhà vườn điều khiển được phần nào cây sầu riêng theo ý muốn.
4. Đặc tính thực vật
- Thân
Cây thân gỗ, đường kính 1 – 2m, chiều cao có thể đạt 40 – 50m nếu mọc từ hạt giống. Với những cây này thường có phần thân mọc thẳng từ gốc với chiều cao 20 – 25m trước khi phân cành. Vỏ cây màu xám hoặc nâu đỏ, thường bị bong theo chu kỳ không xác định. Đối với những cây chiết, ghép thì chiều cao thông thường chỉ 8 – 10m, hiếm khi đạt 12 – 15m.
Lá dài khoảng 8 – 20cm, rộng 2,5 – 7,5 cm. Hình elip đến thuôn dài. Mặt trên là sáng bóng mịn, màu xanh lá cây hoặc vàng sáng. Mặt dưới màu sẫm, đôi khi màu nâu nhưng thường xuyên hơn với một vàng bóng. Lá non thường gấp cong lại theo gân giữa sau đó mới trải rộng ra khi trưởng thành.Lá
- Hoa
Hoa có kích thước lớn (50-70 mm dài), được hình thành trong cụm với 3 – 30 hoa trên thân và cành (tuy nhiên chỉ có 1 hoặc 2 quả phát triển từ mỗi cụm hoa đó). Hoa có một đài hoa và năm cánh có lông tơ (hiếm khi bốn hoặc sáu). Hoa lưỡng tính, có một nhụy và nhị trên cùng một hoa.
Phải mất khoảng 3 đến 4 tuần với thời tiết khô hạn là điều kiện cần thiết để kích thích ra hoa. Thời gian một tháng để hoa sầu riêng phát triển từ mầm hoa đến một hoa hoàn chỉnh. Hoa thường nở từ khoảng 15 – 17 giờ đến nửa đêm. Ban ngày hoa thường khép lại.
Sầu riêng có một hoặc hai giai đoạn ra hoa và đậu quả mỗi năm thay đổi tùy thuộc vào loài, giống và địa phương. Hoa có nguồn mật hoa dồi dào và một mùi nặng không dễ chịu như mùi thiu, chua chua lẫn với mùi bơ. Màu sắc của hoa phù hợp với màu sắc của múi trong quả: cánh hoa màu vàng thì tạo ra ruột vàng, cánh hoa màu trắng hoặc đỏ sẽ tạo ra ruột màu trắng hoặc đỏ.
Thụ phấn tự nhiên có thể chỉ vào ban đêm bởi những bông hoa nở vào cuối buổi chiều từ 17 giờ cho đến 6 giờ sáng hôm sau. Nhưng hoa bắt đầu tung phấn vào 19 giờ cùng với việc rơi rụng các bộ phận khác nhau của hoa sau đó và đến 23 giờ chỉ còn lại có nhụy hoa. Những đặc trưng trên của hoa sầu riêng rất thích ứng cho dơi, chim và những loài ong mật khổng lồ thụ phấn. Sầu riêng không thụ phấn nhờ gió.
- Quả
Quả sầu riêng hình thành từ bất kỳ vị trí nào của cây (thân, cành) trong khoảng 85 đến 150 ngày sau khi hoa thụ phấn. Có thể có hình bầu dục hoặc hình tròn. Vỏ ban đầu có màu xanh sau chuyển sang màu nâu. Trọng lượng từ 2 – 5kg và có thể lên đến 8kg. Nó có một vỏ cứng bên ngoài, bao phủ bằng lớp gai dầy đặc. Lớp vỏ dày này bảo vệ quả không bị hư hỏng khi rơi xuống từ một độ cao đáng kể.
Mỗi quả có năm ngăn chứa các múi (có giống chỉ có một ngăn) và có 1 – 7 hạt màu nâu đỏ. Hạt sầu riêng mất khả năng tồn tại một cách nhanh chóng, đặc biệt là nếu tiếp xúc thậm chí một thời gian ngắn dưới ánh sáng mặt trời. Ngay cả trong kho lạnh chúng chỉ có thể được lưu giữ trong 7 ngày.
Các múi quả khác nhau trong hương thơm, hương vị, kết cấu, độ dày và màu sắc (thường là kem màu vàng sang màu cam đậm, nhưng cũng hiếm khi ở một số giống trắng và thậm chí cả màu đỏ tươi) tùy theo giống.
5. Đặc điểm sinh thái của cây sầu riêng
- Độ cao.
Cây sầu riêng thường không đòi hỏi khắt khe về độ cao, tuy nhiên cây thường sinh trưởng tốt ở độ cao từ 30 – 300m so với mặt nước biển, cây phát triển bình thường ở độ cao dưới 800m và nếu trên 800 m thì cây vẫn có khả năng phát triển nhưng sẽ cho trái chậm hơn so với các vùng đồng bằng từ 1- 2 tháng.
- Lượng mưa.
Cây sầu riêng yêu cầu về lượng mưa khá lớn, từ 1600 – 4000 mm/năm và phân bố đều trong năm. Cây không chịu được khô hạn quá 3 tháng. Khi trái già thì không nên có mưa nhiều, nhất là trong thời kỳ quả chín mà xuất hiện mưa nhiều sẽ khiến cơm bị nhão. Độ ẩm không khí tối ưu đạt 75- 80%.
- Nhiệt độ.
Nhiệt độ tối ưu để cây sầu riêng sinh trưởng và cho năng suất ổn định là từ 24 đến 30 độ C. Nhiệt độ quá thấp sẽ khiến cây sầu riêng bị rụng hoa và ngừng sinh trưởng.
- Đất.
Cây sầu riêng thích hợp trồng ở những vùng đất màu mỡ, thoát nước tốt. Bộ rễ chịu phèn và chịu mặn kém nên chỉ thích hợp ở những vùng đất có pH từ 5- 6. Đất có nhiều chất hữu cơ sẽ giúp cây đạt năng suất cao hơn. Trong quá trình trồng cần chú ý cải tạo đất và tạo hệ thống cấp, thoát nuốc tốt để phòng ngừa nấm phytophthora spp gây bệnh xì mủ thân, cháy lá và rụng lá khiến cây sầu riêng bị chết. Cây thích hợp trồng trên đất bằng phẳng, không quá dốc.
Viết bình luận
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.